Chăm sóc cuối đời cho người bị nhiễm trùng huyết/ sốc nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết khác với các bệnh nghiêm trọng hoặc mạn tính khác thường dẫn đến chẩn đoán phù hợp chăm sóc cuối đời vì tốc độ phát triển của bệnh. Nếu không được điều trị và xử trí nhanh chóng, nhiễm trùng liên quan đến nhiễm trùng huyết có thể nhanh chóng lan ra khắp cơ thể và chuyển biến xấu, thường chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Ngay khi có chẩn đoán nhiễm trùng huyết, nhân viên phụ trách nhập viện chăm sóc cuối đời phải được báo ngay lập tức vì đó là lúc VITAS có thể hỗ trợ. 

Nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng huyết là gì?

Nhiễm trùng huyết là một bệnh lý đe dọa tính mạng phát sinh khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng không đủ với một tình trạng nhiễm trùng, đó là một phản ứng gây tổn hại tới các mô và cơ quan quan trọng của cơ thể. Phần lớn các nhiễm trùng liên quan đến nhiễm trùng huyết là do vi khuẩn gây ra, nhưng cũng có thể xuất phát từ nấm, virus hoặc ký sinh trùng. Mạch máu, phổi, não, niệu quản, da và các cơ quan vùng bụng là những địa điểm thường bị nhiễm trùng huyết nguyên phát.

Ba giai đoạn của nhiễm trùng huyết là gì?

Nhiễm trùng huyết được phân loại thành ba giai đoạn, và nếu cần được giới thiệu đến dịch vụ chăm sóc cuối đời, việc đó nên được thực hiện nhanh chóng.

1. Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết là nhiễm trùng ban đầu, gây ra phản ứng miễn dịch viêm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Phần lớn người bệnh hồi phục sau khi mắc nhiễm trùng huyết nhẹ nếu sớm được điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch và điều trị hỗ trợ, tốt hơn hết là trong vòng vài giờ sau khi có chẩn đoán.

2. Nhiễm trùng huyết nặng

Nhiễm trùng huyết nặng ảnh hưởng và làm suy yếu lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng, bao gồm não, tim và thận. Nó cũng có thể khiến cục máu đông hình thành trong các cơ quan nội tạng, cánh tay, ngón tay, chân và ngón chân, dẫn đến nhiều trường hợp suy chức năng và hoại tử (chết mô) ở mức độ khác nhau. Trong số những bệnh nhân nhập viện, nhiễm trùng huyết là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở bệnh nhân (34%).1 Các triệu chứng nhiễm trùng huyết nặng bao gồm:

  • Khó thở
  • Sốc
  • Tổn thương thận (dánh dấu bằng lượng nước tiểu giảm), tổn thương gan và các thay đổi khác về trao đổi chất
  • Mê sảng/thay đổi trạng thái tinh thần
  • Chảy máu quá mức
  • Tăng nồng độ lactate trong máu

3. Sốc nhiễm trùng huyết

Sốc nhiễm trùng huyết tiến triển khi nhiễm trùng huyết nặng làm giảm huyết áp đáng kể.

Quý vị là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe? Tìm hiểu về các đặc điểm lâm sàng của nhiễm trùng huyết giai đoạn cuối và tải xuống bản PDF hướng dẫn về tính hội đủ điều kiện để tiếp nhận dịch vụ chăm sóc cuối đời của chúng tôi.

Chăm sóc cuối đời giúp kiểm soát chất lượng chăm sóc ở giai đoạn cuối đời. Tham gia thảo luận ngay hôm nay.

Sự khác biệt giữa nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng huyết là gì?

Nhiễm trùng huyết là do một tác nhân nhiễm trùng xâm nhập cơ thể như vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm.

Sốc nhiễm trùng huyết là hình thức nhiễm trùng huyết nghiêm trọng tiến triển khi huyết áp của bệnh nhân tụt giảm thấp tới mức nguy hiểm khi cố gắng chống lại tình trạng nhiễm trùng. Thường thì rất khó để đưa huyết áp trở về mốc bình thường bằng các loại thuốc điều trị huyết áp bình thường hoặc truyền dịch bổ sung.

Quý vị bị nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng huyết như thế nào?

Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết khi cơ thể của họ không thể chống đỡ với nhiễm trùng, thường vì một số bệnh nền hoặc bệnh mãn tính làm suy yếu hệ miễn dịch. Trong khoảng 73% ca bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng huyết trước khi nhập viện và 26% khác bị nhiễm trùng huyết trong thời gian ở bệnh viện.1

Trước khi nhiễm trùng huyết phát triển, những bệnh nhân dễ bị tổn thương đã có khả năng bị tổn thương vì các bệnh khác, đặc biệt là ung thư, bệnh mất trí nhớ, đột quỵ và bệnh phổi, tim, gan hoặc thận mãn tính.1 Các yếu tố như dinh dưỡng kém, suy giảm tình trạng chức năng hoặc nhận thức, hoặc các triệu chứng không kiểm soát được có thể khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Sốc nhiễm trùng huyết không phải là bệnh mà bệnh nhân có thể mắc phải, mà nó là do nhiễm trùng huyết gây ra. Nó tiến triển khi nhiễm trùng huyết trở nên trầm trọng hơn, gây ra tụt huyết áp vốn khó có thể kiểm soát bằng các biện pháp điều trị bình thường.

Để chẩn đoán nhiễm trùng huyết và xác định nguồn gây nhiễm trùng, bác sĩ phải dựa vào một loạt các yếu tố và xét nghiệm khác nhau như thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở, lượng máu/tiểu cầu, phân tích chỉ dấu sinh học và các xét nghiệm/nuôi cấy khác.

Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng huyết cao nhất?

Một số bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng huyết hơn những người khác, bao gồm những người:

  • Rất trẻ hoặc rất già
  • Đang mắc phải một căn bệnh mạn tính hoặc nhiễm trùng vi khuẩn kháng thuốc
  • Có hệ thống miễn dịch kém do HIV, điều trị ung thư, thuốc chống đào thải sau ghép tạng, tiểu đường hoặc chấn thương lớn
  • Mắc phải các căn bệnh tiềm ẩn (40% bệnh nhân đang nhập viện) khiến họ có đủ điều kiện tiếp nhận chăm sóc cuối đời, bao gồm ung thư tiến triển, suy tim, bệnh phổi tiến triển (khó thở khi nghỉ ngơi hoặc ráng sức ở mức tối thiểu, có hoặc không có ô xi), bệnh mất trí nhớ kèm với bất kể khó khăn gì về các hoạt động đời sống hàng ngày (ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, đi toa-lét, vệ sinh cá nhân, v.v.)
  • Dựa vào các thiết bị xâm lấn, bao gồm ống truyền tĩnh mạch, ống thở hoặc thiết bị hỗ trợ tâm thất cho tim

Khi nào thì bệnh nhân nhiễm trùng huyết đủ điều kiện nhận dịch vụ chăm sóc cuối đời? 

Bệnh nhân nhiễm trùng huyết đủ điều kiện nhận dịch vụ chăm sóc cuối đời khi bác sĩ đưa ra quyết định lâm sàng rằng thời gian sống còn lại dự kiến là sáu tháng trở xuống nếu bệnh trạng tiến triển theo dự kiến.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm trùng huyết xảy ra với những bệnh nhân đã bị bệnh nặng, đang nằm viện, trong khu chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc mới hồi phục sau một thủ thuật tại bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh nhân cao tuổi hoặc suy nhược có thể được kiểm soát và xuất viện thành công để chăm sóc ngoại trú, chỉ để bắt đầu giai đoạn suy giảm dai dẳng và tiến triển từ các tác động tiềm ẩn của căn bệnh quái ác này. Lý tưởng nhất là những bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết và vượt qua được giai đoạn nhập viện đầu tiên để điều trị nhiễm trùng huyết nhưng hiện giờ đang bị suy giảm, nên được đánh giá để tham gia vào các cuộc trao đổi về mục tiêu chăm sóc. Những cuộc trao đổi này giúp xác định những ưu tiên về chăm sóc cuối đời của họ. Nếu đủ điều kiện, chăm sóc cuối đời sẽ là hình thức chăm sóc phù hợp nhất mà những đối tượng này có thể tiếp nhận tại gia.

Quý vị nên liên hệ với nhân viên tiếp nhận chăm sóc cuối đời ngay khi có chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết tiến triển nặng, vì thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng khi tình trạng nhiễm trùng tiến triển nhanh có thể xảy ra muộn, khi bệnh tiến triển nặng hoặc ở những bệnh nhân có sức khỏe không ổn định hoặc đã bị tổn hại. Nếu nhiễm trùng huyết không làm cho bệnh nhân tử vong thì chăm sóc cuối đời có thể là lựa chọn tốt nhất giúp kiểm soát các triệu chứng dài hạn, kiểm soát cơn đau và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình.

Dịch vụ chăm sóc cuối đời có thể giúp bệnh nhân nhiễm trùng huyết như thế nào?

Nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 40% bệnh nhân vào viện bị nhiễm trùng huyết và tử vong đã đủ điều kiện được chăm sóc cuối đời trước khi nhập viện. Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng bệnh nhân đang được điều trị nhiễm trùng huyết phải ở lại bệnh viện, mặc dù phần lớn thời gian họ đủ điều kiện nhận dịch vụ chăm sóc cuối đời đầy tận tâm:

  • Kiểm soát cơn đau và triệu chứng: Dịch vụ chăm sóc cuối đời chuyên sâu vào việc đảm bảo rằng bệnh nhân được thoải mái bằng cách giảm đau và cho phép họ tận hưởng cuộc sống, trong khi vẫn kiểm soát các quyết định hàng ngày nhiều nhất có thể. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, dịch vụ chăm sóc liên tục có thể được đề xuất, có nhân viên làm việc theo ca cung cấp dịch vụ chăm sóc 24 giờ cho đến khi các triệu chứng được kiểm soát.
  • Hỗ trợ cảm xúc và tâm linh: Dịch vụ chăm sóc cuối đời có thể cung cấp cho bệnh nhân các nguồn lực cần thiết để duy trì sức khỏe cảm xúc và tâm linh của họ.
  • Dịch vụ được cung cấp ở bất cứ nơi nào mà bệnh nhân gọi là nhà: VITAS cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân ở bất cứ nơi nào họ sống - trong nhà, tại các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc các cộng đồng chăm sóc dành cho người già hoặc tàn tật. Nếu các triệu chứng trở nên quá khó kiểm soát tại nhà, dịch vụ nội trú có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc suốt cả ngày đêm cho đến khi bệnh nhân có thể trở về nhà.

Cách tiếp cận các cuộc trò chuyện về dịch vụ chăm sóc cuối đời

Mở đầu cuộc trò chuyện về dịch vụ chăm sóc cuối đời có thể gặp phải sự e ngại khi những người tham gia không được trang bị các nguồn lực liên quan. Những người hy vọng có một cuộc trò chuyện về mục tiêu chăm sóc nên xem xét cách tiếp cận bao gồm:

  • Làm rõ tình trạng sức khỏe và sự tiến triển về bệnh của bệnh nhân
  • Được hướng dẫn về tất cả các lựa chọn có sẵn
  • Xác định các mục tiêu tương lai của cả bệnh nhân và gia đình
  • Sẵn sàng nói chuyện và luôn cởi mở để lắng nghe
  • Chủ động trong cuộc trò chuyện

Dưới đây là một số lời khuyên khác cho các gia đình và bệnh nhân phải đối mặt với những thách thức của bệnh nghiêm trọng, nhập viện hoặc nhiều thủ thuật khiến họ có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết:

  • Đọc và chia sẻ "Cân nhắc về chăm sóc cuối đời: Hướng dẫn thảo luận dành cho gia đình"
  • Giờ hãy để mọi người biết về ước nguyện của quý vị: Hãy nói về chúng, ghi lại và chia sẻ những ước nguyện này với mọi người. Nếu quý vị là bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết, hãy đảm bảo có ghi lại các ước nguyện và ưu tiên của mình về chăm sóc cuối đời ngay bây giờ, trước khi lên cơn bạo bệnh. Quyết định những biện pháp can thiệp nào quý vị muốn hoặc không muốn nếu quý vị đang phải đối mặt với chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có khả năng bị nhiễm trùng nguy hiểm tới tính mạng như nhiễm trùng huyết. Khi quý vị hoàn tất các chỉ dẫn trước, chẳng hạn như ý nguyện trị liệu hoặc giấy ủy quyền dài hạn cho các quyết định chăm sóc sức khỏe, thì gia đình, người đại diện chăm sóc sức khỏe và nhóm chăm sóc sức khỏe của quý vị có thể đưa ra quyết định về hình thức chăm sóc cuối đời mà không bất đồng hay mặc cảm có lỗi.

1 Rhee C., et al. "Prevalence, Underlying Causes and Preventability of Sepsis-Associated Mortality in US Acute Care Hospitals." JAMA Network Open. 2019;2(2):e187571

Hãy gọi cho VITAS để tìm hiểu thêm về các tùy chọn chăm sóc cuối đời và chăm sóc giảm nhẹ.

BÁC SĨ LÂM SÀNG: ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CỦA CHÚNG TÔI

Tham gia danh sách email của chúng tôi cho hội thảo trực tuyến, tin tức chăm sóc cuối đời và nhiều thông tin khác.