Kỹ thuật trợ giúp tang quyến

Có một điều quan trọng là phải giảng giải cho những người đang thương tiếc rằng một điều quan trọng nhất họ có thể làm là cho phép mình thể hiện nỗi đau buồn theo cách của riêng họ. Không có một cách nào hay một lượng thời gian nào là đúng. Hãy động viên họ đánh giá cảm xúc của mình một cách trung thực (ví dụ: giận dữ, buồn rầu, tội lỗi) rồi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với ai đó mà họ tin tưởng, chẳng hạn như một người bạn, thành viên gia đình, tu sĩ, chuyên gia trị liệu, v.v.

Bạn có thể giúp đỡ như thế nào? Hầu hết các chuyên gia tư vấn về đau buồn đều cảnh báo việc tạo ra thay đổi mạnh mẽ quá sớm sau sự qua đời của người thân (ví dụ: chuyển tới nhà mới, bắt đầu một mối quan hệ mới). Những thay đổi sớm này thường được xem là cố gắng "trốn tránh" nỗi đau buồn.

Tuy nhiên, khi là người bạn tâm giao, quý vị có thể dựa vào một số câu hỏi và kỹ thuật tập trung vào sự mất mát để giúp một người nào đó hiểu được cảm xúc của mình và vượt qua nỗi đau buồn.

Chuẩn bị, bắt đầu cuộc trò chuyện

  • Tạo một môi trường trợ giúp bằng cách tìm một nơi yên tĩnh, riêng tư để trò chuyện. Khi quý vị trò chuyện, hãy thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm và tôn trọng.
  • Khi quý vị nói về người đã qua đời, hãy dùng thì quá khứ, gọi tên người ấy, và đừng ngại những từ như "cái chết, đã qua đời, đã chết."
  • Quý vị có thể bắt đầu cuộc gặp đầu tiên với người mới mất người thân bằng cách mời người đó kể với quý vị về sự ra đi của người thân. Điều gì đã xảy ra vào ngày hoặc đêm hôm đó?
  • Hỏi về kế hoạch tang lễ hoặc lễ truy điệu.
  • Hỏi mọi thứ đã diễn ra như thế nào kể từ khi người thân ra đi. Mọi thứ đã diễn ra như thế nào với gia đình/bạn bè? Người mà quý vị đang giúp đỡ có thể nói chuyện cởi mở về người đã khuất không?

Đặt những câu hỏi khuyến khích những cảm nghĩ về phản ứng với nỗi đau buồn

  • Một số người gặp phải vấn đề về ăn uống hoặc giấc ngủ sau khi người thân qua đời. Quý vị ăn uống có ổn không? Quý vị có ra khỏi nhà và tham gia những hoạt động hay thực hiện những thú vui bình thường không? Gần đây có bất cứ điều gì khiến quý vị phiền muộn không?
  • Còn những thời điểm khó khăn khác trong cuộc sống của quý vị thì sao? Những thời điểm đó là mới gần đây hay đã lâu rồi? (Cách mà con người từng đối mặt với sự mất mát trong quá khứ có thể nói thật nhiều điều về cách mà họ sẽ điều chỉnh với mất mát hiện tại).
  • Quý vị đã dùng những kỹ năng đối phó nào trong những đợt khủng hoảng trước kia? Bây giờ, hãy cố gắng dựa vào những nguồn hỗ trợ tương tự.

Cung cấp sự hỗ trợ hữu hình và động viên khéo léo

  • Giúp người đó ghi nhận về những thành tựu trong quá khứ như một cách để lấy lại sự tự tôn.
  • Khẳng định khả năng vượt qua mất mát hiện tại.
  • Hỏi về mối quan hệ của người đó với người đã khuất.
  • Giúp người đó suy nghĩ về những phẩm chất hay tài năng đặc biệt khiến người đã khuất yêu mến họ.
  • Nhắc người còn sống rằng việc cảm thấy quá sức chịu đựng trước những cảm xúc cao trào là điều bình thường.
  • Giúp người đó xác định cảm giác mất mát và cảm nhận nỗi đau. Khẳng định rằng đau khổ là một phần của trải nghiệm mất mát; trấn an người đó rằng sự đau khổ không phải lúc nào cũng dữ dội như vậy.
  • Hãy để người đó khóc và cảm thấy nhẹ nhõm nếu người đó tìm thấy sự nhẹ nhõm.
  • Thừa nhận rằng mất mát là điều tự nhiên trong cuộc sống và nhắc người đó không nên sợ hãi. Đôi khi, sự đau buồn có thể có cảm giác giống như một chiếc tàu lượn cảm xúc nhưng hãy giải thích rằng đó là những dư âm của nỗi đau buồn, không phải là tín hiệu cho thấy cảm xúc ấy đang bắt đầu lại từ đầu.
  • Đau buồn là sự suy kiệt về mặt thể chất và tinh thần. Động viên người mới mất người thân chăm sóc cho bản thân bằng cách ăn uống điều độ, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và hạn chế uống rượu và các loại thuốc tác động tới thần kinh khác, tất cả những việc này có thể cản trở quá trình đau buồn.
  • Khuyến khích sự kiên nhẫn với bản thân và kiên nhẫn với những người khác có thể đang không hiểu cảm xúc của họ.
  • Nhắc người đó đặt ra những kỳ vọng khả thi về lượng thời gian cần thiết để chữa lành khỏi nỗi đau buồn.
  • Động viên người đó cố gắng từng chút một mỗi ngày. Đôi khi, việc chia một ngày thành nhiều mức độ tăng dần dễ quản lý sẽ khiến mọi thứ dễ dàng hơn.
  • Gợi ý cách từ từ quay trở về thói quen thường ngày ​​​​​​​bằng những việc nhỏ thông thường (ví dụ như mua sắm) hoặc chọn 2-3 mục tiêu khả thi để thực hiện theo những nấc thang tăng dần trong sáu tháng. Việc ghi nhận sự tiến bộ và đặt ra mục tiêu sẽ mang tới sự an toàn và phục hồi khả năng kiểm soát cuộc sống của một người.
  • Động viên người đó làm những việc nhỏ cho người khác để chuyển sự chú ý vào những việc khác thay vì chỉ tập trung vào nỗi đau của mình.
  • Trấn an rằng sẽ không vấn đề gì khi đặt ra giới hạn với người khác và nói "không" khi thích hợp.
  • Khẳng định rằng họ có quyền được vui, hi vọng và có những mối quan hệ mới – không điều gì trong những việc này có nghĩa là phản bội người đã khuất.

Đưa ra những trợ giúp cụ thể cho người mới mất người thân:

Một số người mới mất người thân cảm thấy cần phải tìm hiểu mọi thứ có thể về căn bệnh và/hoặc hoàn cảnh của cái chết của người thân và đôi khi họ muốn xem lại hồ sơ bệnh sử, đặc biệt là ngay sau khi người thân qua đời. Đây là điều bình thường và rất thường gặp sau một sự ra đi đột ngột.

  • Khuyến khích việc sử dụng các vật tượng trưng và "vật quá độ" như ảnh, đoạn băng âm thanh hoặc video, các món trang phục hoặc trang sức, hay một bộ sưu tập đặc biệt đối với người đã khuất.
  • Đề nghị người đó bày tỏ suy nghĩ hoặc cảm xúc bằng cách viết một lá thư gửi người đã khuất, Thượng đế hoặc thần linh v.v.
  • Gợi ý người đó giữ một cuốn hồi ký, tập thơ hoặc vật kỷ niệm đặc biệt về nỗi đau buồn.
  • Động viên người đó tới hiệu sách, thư viện, cơ sở chăm sóc cuối đời và lên mạng Internet để tìm hiểu thông tin về sự đau buồn sẽ giúp phục hồi từ nỗi đau buồn.
  • Gợi ý sử dụng một tác phẩm nghệ thuật, sổ lưu niệm, hộp lưu niệm và những vật tương tự để thể hiện cảm xúc đau buồn.
  • Nếu người đó có "việc còn dang dở" với người đã qua đời, hãy động viên người đó (giống như một chuyên viên chăm sóc cho người đau buồn làm) hình dung trong đầu về vấn đề và cách đáng lẽ ra có thể giải quyết được vấn đề. Có thể hỗ trợ việc phục hồi bằng cách tập trung vào điều mà người còn sống có thể làm cho người đã khuất, thay vì điều mà người còn sống đáng lẽ ra nên làm trước đây.
  • Động viên người đó đặt mình vào các tình huống mà họ sợ hãi hoặc cảm thấy khó xử, chẳng hạn như bắt đầu một mối quan hệ mới hoặc bán một căn nhà. Việc đặt mình vào hoàn cảnh có thể xây dựng được những kỹ năng đối phó mạnh mẽ hơn.

Tìm hiểu xem liệu chăm sóc cuối đời có thể hỗ trợ cho người thân của quý vị hay không.