7 lời khuyên dành cho người chăm sóc ở xa

Chăm sóc cho người thân

Chăm sóc cho người thân mắc bệnh nặng sống trong cùng một nhà hay cùng một thành phố đã rất khó khăn, tốn thời gian và phức tạp. Nhưng khi quý vị sống xa họ, việc chăm sóc cho họ càng trở nên căng thẳng hơn.

Theo Mạng lưới hành động của người chăm sóc, bảy triệu người Mỹ hội đủ điều kiện là người chăm sóc ở xa, tức là họ sống cách người thân cần chăm sóc của mình hơn một giờ đi xe. Nếu quý vị là người chăm sóc ở xa, sau đây là một vài lời khuyên có thể hữu ích cho quý vị:

1. Tập hợp một nhóm hỗ trợ

Sau khi quý vị biết có người thân cần chăm sóc liên tục, đó là lúc để tập hợp một nhóm và xem ai có thể sẵn sàng giúp đỡ khi quý vị vắng mặt. Hãy bắt đầu từ chính các thành viên trong gia đình, nhưng hãy nhớ rằng những người sống gần bệnh nhân hơn có thể cảm thấy họ có trọng trách chăm sóc chính. Điều quan trọng là phải cân bằng trách nhiệm chăm sóc bằng cách tận dụng được nhiều sự giúp đỡ nhất có thể. Hãy nhờ đến các tình nguyện viên, ví dụ như bạn bè hoặc hàng xóm, hoặc thuê chuyên gia.

Khi sống ở xa, quý vị có thể đảm nhận những trách nhiệm đó bằng cách trả hóa đơn y tế và tiện ích gia đình, giải quyết các mẫu đơn bảo hiểm hoặc Medicare, lên lịch khám cho bệnh nhân và sắp xếp việc đưa đón bệnh nhân tới các buổi khám, cũng như hỗ trợ qua điện thoại hoặc Internet.

2. Sắp xếp cẩn thận

Gặp gỡ các chuyên gia y tế tham gia việc chăm sóc cho người thân của quý vị và lấy thông tin liên lạc của họ. Đây là thời điểm phù hợp để người thân của quý vị ký đơn tiết lộ thông tin y tế, theo đó cho phép quý vị thảo luận về bệnh trạng của họ với nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Hãy lưu giữ đơn tiết lộ này và tất cả giấy tờ quan trọng liên quan đến việc chăm sóc hay bệnh trạng của người thân của quý vị trong cặp hồ sơ đặc biệt, bao gồm chỉ dẫn trước, giấy ủy quyền y tế, thẻ/hợp đồng bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, thẻ An sinh Xã hội, chúc thư và danh sách thuốc của họ. Hãy cất cặp hồ sơ ở nơi an toàn và dễ lấy tại nhà của bệnh nhân. Chuẩn bị sẵn những tài liệu này sẽ giúp giảm sự căng thẳng khi tìm kiếm chúng nếu bệnh nhân cần chúng để sắp xếp buổi khám bệnh hay nhập viện.

Sau khi thanh toán các hóa đơn y tế, hãy cất chúng trong cặp hồ sơ riêng. Nếu có câu hỏi về một sai sót trong hóa đơn, quý vị sẽ luôn cần đến số tài khoản và thông tin khác mà chỉ có trên hóa đơn. Vào cuối năm, những hóa đơn này cũng rất quan trọng khi làm tờ khai hoàn thuế cho bệnh nhân.

Tìm hiểu thêm: Tầm quan trọng của việc nói về chăm sóc cuối đời

3. Hãy chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp

Ngay cả những kế hoạch tỉ mỉ nhất và người ngăn nắp nhất cũng luôn có thể bị xáo trộn bởi một tình huống khẩn cấp. Khi quý vị sống ở xa, một sự kiện bất ngờ phát sinh có thể khiến quý vị nhanh chóng trở nên hoảng hốt. Lập kế hoạch trước là điều cần phải làm đối với người chăm sóc sống ở xa.

Lập sơ đồ điện thoại với các thành viên trong gia đình và người chăm sóc ở gần để cập nhật thông tin về tình trạng của người thân dễ dàng hơn.

Nói chuyện với ông chủ của quý vị về thời gian nghỉ phép mà quý vị còn, được hưởng lương hoặc không được hưởng lương. Xếp sẵn vali với mọi thứ cần thiết trong trường hợp quý vị phải vội di chuyển. Ngay cả nếu quý vị không bao giờ sử dụng thời gian nghỉ phép, biết rằng quý vị sẵn sàng đi có thể giúp giải tỏa nỗi lo âu.

4. Giữ liên lạc

Cảm thấy có lỗi vì không thể ở bên cạnh người thân mắc bệnh nặng là một cảm xúc phổ biến ở những người chăm sóc sống ở xa. Đặt ra kế hoạch để giữ liên lạc thường xuyên và tiến hành nó có thể xoa dịu những cảm giác này. Các dịch vụ miễn phí trực tuyến cho phép quý vị dễ dàng lập trang web riêng, gọi video chat hoặc liên lạc thường xuyên bằng mạng xã hội.

Hình ảnh 7 ​​​​​​​lời khuyên dành cho người chăm sóc

5. Luôn kết nối

Một vài ứng dụng chăm sóc cho phép người chăm sóc sống ở xa và người thân bị ốm bệnh của họ theo dõi các buổi khám và thuốc điều trị bằng cách cài đặt trước nhắc nhở hay chuông báo. Hệ thống giám sát được lắp đặt tại nhà của bệnh nhân có thể cho phép người chăm sóc sống ở xa nhìn thấy người thân của họ qua điện thoại và giám sát hoạt động hay trạng thái của người đó từ xa. Các hệ thống ​​​​​​​y tế thường trực, trong đó có một số hệ thống được cung cấp thông qua các bệnh viện địa phương, cung cấp hỗ trợ nếu có việc gì xảy ra khi người chăm sóc vắng mặt. Công nghệ thông minh mới, ví dụ như Amazon Echo hay Google Home, có thể giúp quý vị luôn kết nối với người thân và gọi điện xin giúp đỡ.

6. Tận dụng thời gian hiệu quả trong các chuyến thăm

Do việc thăm viếng bệnh nhân đối với người chăm sóc ở xa có thể rất khó sắp xếp, hãy tận dụng thời gian thăm viếng họ hiệu quả nhất có thể. Dành thời gian yên tĩnh trò chuyện với họ sẽ giúp quý vị hiểu thêm về tình trạng của người thân của mình. Việc này có thể giúp quý vị cảm thấy yên tâm và mang lại ký ức tuyệt vời cho cả hai.

7. Tìm sự giúp đỡ cho bản thân

Chất chứa những cảm xúc của mình sẽ chỉ tăng thêm căng thẳng cho quý vị, vì thế hãy tìm ai đó để chia sẻ những cảm xúc của mình. Dành thời gian cho bản thân hoặc nuông chìu bản thân theo cách nào đó để bình tâm lại khi quý vị cảm thấy mệt mỏi. Việc này có thể chỉ đơn giản như là đi dạo hoặc đặt hẹn mát-xa hoặc chơi gôn trên sân tập trong vòng một giờ. Bất cứ điều gì giúp quý vị tạm vơi đi nỗi căng thẳng đều nên được coi là một công việc quan trọng trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân.

Chấp nhận sự giúp đỡ bên ngoài từ gia đình và bạn bè, sắp xếp và chuẩn bị sẵn cho mọi trường hợp có thể xảy ra, và chăm sóc bản thân sẽ giúp quý vị cảm thấy tự tin hơn khi cần chăm sóc cho người thân ở xa.

Tìm hiểu xem liệu chăm sóc cuối đời có thể hỗ trợ cho người thân của quý vị hay không.