Chăm sóc người thân sau cơn đau tim

Khi người mà quý vị chăm sóc bị lên cơn đau tim, họ sẽ cảm thấy vô cùng yếu ớt, quý vị sẽ cảm thấy hoảng sợ và cuộc sống trở nên thay đổi rất nhiều. Ngay cả nếu bệnh nhân được giới thiệu đến dịch vụ chăm sóc cuối đời, cuộc sống sau khi trải qua cơn đau tim, đột quỵ hay bất kỳ thủ thuật tim mạch nào đều sẽ vẫn tiếp tục.

Một vài cuộc nói chuyện thẳng thắn sẽ giúp mọi người cảm thấy tốt hơn, và chính quý vị, người chăm sóc, có thể bắt đầu cuộc nói chuyện đó, bởi bệnh tim ảnh hưởng đến nhiều người chứ không chỉ người bệnh vừa trải qua cơn đau tim. Sau đây là những điều mà quý vị nên cố gắng trao đổi.

Cảm giác có lỗi

Hãy nói về những chủ đề như cảm giác sợ hãi và có lỗi khi "để" tình trạng này xảy ra. Ngay cả khi cảm giác đó là không có cơ sở, chúng vẫn cần được bày tỏ thẳng thắn.

Các chỉ dẫn trước

Sau cơn đau tim, có khả năng cái chết đã lờ mờ hiện ra trong tâm trí mọi người.  Trước khi cuộc khủng hoảng sức khỏe tiếp theo xảy ra, hãy trò chuyện trung thực về vấn đề tài chính, nhà cửa, nguyện vọng, các chỉ dẫn trước, v.v. để giúp mọi người đều được chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. VITAS có thể hỗ trợ cho các thảo luận về lập kế hoạch chăm sóc trước với bệnh nhân, người chăm sóc và bác sĩ. Quý vị chỉ cần đưa ra yêu cầu cho họ.

Giải thích của bác sĩ

Khi cảm thấy sợ hãi hay quá sức chịu đựng, quý vị thường rất dễ quên đi chỉ dẫn hay lời khuyên của bác sĩ. Hãy đưa người thân của quý vị tới văn phòng bác sĩ. Viết ra những mối quan ngại của quý vị. Ghi lại câu trả lời của bác sĩ. Yêu cầu giải thích nếu quý vị chưa hiểu rõ. Hãy làm chủ chính mình vì: Quý vị biết các vấn đề hàng ngày, quý vị nhìn thấy các triệu chứng mà người khác không thấy, quý vị biết rằng mình cần hỗ trợ ở đâu (quản lý thuốc? hành vi tuân thủ? học hỏi?).

Nhu cầu được hỗ trợ

Hãy tham gia một nhóm hỗ trợ hay sắp xếp cuộc hẹn với thủ lĩnh đức tin hoặc chuyên gia trị liệu của quý vị. Chấp nhận sự giúp đỡ của các tình nguyện viên sẵn sàng giúp quý vị mua hàng tạp hóa (những sản phẩm tốt cho tim), hoàn thành công việc nhà hay mang lại cho quý vị một khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá.

Thay đổi thói quen

Nói về sự cần thiết của các thói quen mới, ví dụ như tìm các cách ăn uống hay dành thời gian để tập thể dục. Quý vị có thể vừa tham gia vật lý trị liệu và vừa học cách rèn luyện cơ thể hay không? Tận dụng thẻ thành viên của phòng tập thể dục? Hay đơn giản là ra ngoài tản bộ?

Thực hiện những công việc riêng rẽ với nhau

Cuộc sống mới khiến quý vị xích lại gần nhau, nhưng quý vị sẽ cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ hơn nếu đôi khi được làm những công việc riêng rẽ với nhau.

Tương lai

Ngày mai là một ngày khác và là cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đến giai đoạn cuối đời. Hãy lên lịch cho một chuyến đi, tìm hiểu lại các truyền thống của gia đình hay học hỏi kỹ năng mới.

Tìm hiểu xem liệu chăm sóc cuối đời có thể hỗ trợ cho người thân của quý vị hay không.