Khái niệm về cái chết và phản ứng trong các giai đoạn phát triển của trẻ em

Mỗi trẻ có cách hiểu riêng về cái chết và phản ứng khác nhau với đau buồn. Sự hiểu biết này phần lớn bị ảnh hưởng theo độ tuổi và mức độ phát triển của trẻ. Nhưng có thể có sự chồng chéo lớn giữa các nhóm tuổi bởi trẻ chuyển từ mức độ phát triển này sang mức độ phát triển khác với tốc độ rất khác nhau.

Từ lúc ẵm ngửa đến tuổi lên 2

Khái niệm về cái chết

Trẻ nhỏ không có khả năng nhận thức để hiểu được khái niệm trừu tượng như cái chết. Chúng vận động nhiều trong giai đoạn hiện tại. Khi có ai đó quan trọng qua đời, trẻ nhỏ nhận thức sâu sắc hơn về sự mất mát và chia ly. Chúng phản ứng với cảm xúc và hành vi của những người lớn quan trọng trong môi trường của chúng và với bất kỳ sự gián đoạn nào trong thói quen và lịch trình nuôi dưỡng của chúng. Nếu có thay đổi đột ngột, chúng sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu.

Phản ứng đau buồn

Trẻ nhỏ có thể tìm kiếm người đã qua đời và trở nên lo lắng do bị chia tách. Những phản ứng thường gặp bao gồm: cáu kỉnh và phản kháng, khóc liên tục, thay đổi thói quen ngủ và ăn, giảm hoạt động và giảm cân.

Tuổi mẫu giáo (2-4 tuổi)

Khái niệm về cái chết

"Khi nào mẹ con sẽ về?"

"(Người đã mất) ăn hoặc thở như thế nào?"

Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo không hiểu khái niệm "vĩnh viễn". Đối với nhóm tuổi này, cái chết được coi là tạm thời và có thể đảo ngược được. Ví dụ: ngay cả khi trẻ được bảo là Mẹ sẽ không về nữa, nhưng sau đó một giờ chúng lại có thể hỏi: "Mẹ đâu?" Trẻ mẫu giáo thường không hình dung được cái chết là sự chia tách khỏi cuộc sống và điều đó cũng có thể xảy ra với chúng. Trẻ mẫu giáo thích chơi trò "ú òa" mà ở đó người lớn biến mất khỏi chúng, sau đó lại xuất hiện lại. Chính nhờ những trò chơi này mà chúng dần bắt đầu hiểu được khái niệm "ra đi là điều tốt đẹp".

Phản ứng đau buồn

Vì trẻ mẫu giáo có xu hướng định hướng ở hiện tại, phản ứng đau buồn của chúng có thể rất ngắn nhưng rất sâu sắc. Ở giai đoạn phát triển này, trẻ đang học cách tin tưởng và hình thành sự gắn bó cơ bản. Khi người lớn quan trọng trong cuộc đời chúng qua đời, chúng trở nên rất quan tâm về sự chia ly và thay đổi cách chăm sóc. Chúng thường có cảm giác lo lắng tăng cao liên quan đến sự chia ly và sự từ chối vì chúng chưa có khả năng sử dụng trí tưởng tượng của mình để kiểm soát những gì đang xảy ra.¹

Chúng cũng đáp lại những phản ứng cảm xúc của người lớn. Nếu chúng nhận thấy bố mẹ chúng đang lo lắng hoặc buồn phiền, chúng có thể khóc hoặc nổi giận, vì chúng muốn được quan tâm hoặc là một cách xua tan cảm xúc khó khăn đó của cha mẹ chúng. Những phản ứng đau buồn thường gặp của trẻ mẫu giáo bao gồm rối loạn, những giấc mơ đáng sợ và kích động vào ban đêm, các hành vi thoái lui như đeo bám, đái dầm, mút ngón tay, khóc không thể kiềm chế, giận dữ và tránh xa người khác. Chúng có thể liên tục tìm kiếm người đã mất mặc dù biết rằng người đó sẽ không quay trở về nữa hoặc lo lắng khi ở xung quanh người lạ.

Trẻ nhỏ (4-7 tuổi)

Khái niệm về cái chết

"Đó là lỗi của con. Một lần con giận mẹ và con đã bảo con ước mẹ chết và mẹ đã chết."

"Chú gà trong phim hoạt hình luôn sống lại, và con biết bố cũng sẽ sống lại"

Giống như trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ này cũng coi cái chết chỉ mang tính tạm thời và có thể đảo ngược được. Chúng đôi khi cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho cái chết đó vì chúng cho rằng những suy nghĩa hoặc cảm giác tiêu cực của chúng về người đã mất có thể đã gây ra cái chết của người đó. "Tư duy kỳ diệu" này bắt nguồn từ niềm tin rằng mọi thứ trong môi trường của chúng đều xoay quanh chúng và chúng có thể kiểm soát được mọi việc. Ngay cả khi những đứa trẻ ở độ tuổi này tiếp xúc với cái chết thông qua các phương tiện truyền thông hoặc ở trường, chúng vẫn có thể tin rằng bạn có thể tránh được cái chết nếu bạn đủ cẩn thận.

Những đứa trẻ ở độ tuổi này cũng có thể kết nối các sự kiện không liên quan đến nhau. Nếu một đứa trẻ mua một món đồ chơi nào đó vào ngày chị gái của mình qua đời, nó có thể cho rằng món đồ chơi đó đã gây ra cái chết của chị gái mình, đặc biệt là khi nguyên nhân thực sự không được giải thích rõ ràng cho trẻ.

Phản ứng đau buồn

Giống như trẻ mẫu giáo, nhóm tuổi này có thể liên tục tìm kiếm người đã mất hoặc hỏi người đó đâu. Những câu hỏi lặp đi lặp lại về cái chết cũng khá thường gặp. "Chuyện gì xảy ra sau khi chết?" "Người chết ăn thế nào?" Chúng sẽ thường thể hiện cảm giác đau buồn thông qua việc chơi thay vì lời nói. Chủ đề về mất mát trong gia đình và cái chết có thể được thể hiện khi chúng chơi với búp bê hoặc nhân vật hành động. Chúng có thể tự đóng giả làm người chết hoặc người được chôn cất.²

Đôi khi trẻ nhỏ ở độ tuổi này có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi người chết và hành động như thể không có gì xảy ra, nhưng điều này không có nghĩa là chúng lãng quên HOẶC chúng đã chấp nhận cái chết đó. Chúng có thể thể hiện sự bất lực của mình trong lúc này để thừa nhận thực tế rất đau đớn. Chúng có thể có phản ứng đau buồn của mình sau khi những người lớn thân thiết với chúng không biết làm thế nào để thể hiện cảm xúc của chính họ. Những phản ứng thường gặp khác bao gồm: giận giữ, buồn phiền, bối rối, khó ăn và khó ngủ.

Như với trẻ mầm non, nhóm tuổi này có thể làm những điều trái ngược để nhận được sự chăm sóc và chý ý hơn trong giai đoạn khó khăn này. Những trẻ trải qua mất mát ở độ tuổi này có xu hướng sợ rằng những người yêu thương của chúng cũng sẽ rời bỏ chúng. Đôi khi, chúng trở nên thân thiết với những người có điểm nào đó giống với người đã mất.

Trẻ học tiểu học (7-10 tuổi)

Khái niệm về cái chết

"Móng tay và tóc của mình có vẫn dài ra khi chết không?"

"Nếu con hút thuốc lá, con có chết không?"

Trẻ ở nhóm tuổi này có thể coi cái chết là điều có thể thay đổi được, nhưng chúng bắt đầu có nhận thức được cả về thực tế và phép màu. Những đứa trẻ ở nhóm tuổi này đôi khi hình dung cái chết dưới dạng vô hình như ma hoặc ông ba bị.³ Chúng rất tò mò về chi tiết cái chết, hỏa táng và chôn cất và có thể đưa ra những câu hỏi thẳng thắn.

Mặc dù chúng biết cái chết có thể xảy ra với mọi người và có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết, nhưng chúng vẫn không nghĩ rằng cái chết có thể xảy ra với chúng hoặc người thân của chúng. Chúng có thể tin rằng cái chết chỉ xảy ra với những người già hoặc người ốm, hoặc chúng có thể thoát khỏi cái chết bằng nỗ lực của mình. Chúng cũng có thể coi cái chết là một sự trừng phạt, đặc biệt là trẻ trước chín tuổi. Đôi khi, chúng không thể hiểu được cái chết sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng, đó có thể là nguồn gốc của sự lo lắng.

Phản ứng đau buồn

Trẻ thuộc nhóm tuổi này thường quan tâm đến việc những người khác phản ứng như thế nào với cái chết bằng cách ít tập trung vào bản thân chúng, mà tập trung vào người khác. Chúng có thể sợ rằng những người thân khác cũng sẽ chết. Chúng có thể lo lắng về sức khỏe của mình hoặc sợ làm tổn hại cơ thể và chết.

Một số trẻ ở nhóm tuổi này có thể tỏ ra giận giữ và buồn phiền hoặc không thể tập trung học ở trường. Nhưng vẫn có những trẻ khác có thể có thái độ vui vẻ hoặc thờ ơ về cái chết, hoặc chúng có thể rút lui và che giấu cảm xúc của mình. Những phản ứng thường gặp khác bao gồm: sốc, phủ nhận, trầm cảm, thay đổi thói quen ăn ngủ và trở lại giai đoạn phát triển trước đó.

Nhóm tuổi này có xu hướng có thể thực hiện những hành động mang tính đối phó nhiều hơn so với trẻ nhỏ và có thể tưởng tượng ra cách để ngăn chặn cái chết như một biện pháp để kiểm soát tình hình. Một số trẻ, đặc biệt là những trẻ khó thể hiện cảm xúc của mình bằng lời, có thể nhập vai qua các trò chơi chiến tranh hoặc những hành động khác.

Trẻ ở nhóm tuổi này có thể đóng vai hoặc cư xử như cách của người đã mất hoặc đảm nhận công việc hoặc vai trò trước đây của người đã mất, như chăm sóc anh chị em của chúng. Chúng có thể lý tưởng hóa người đã mất như một cách để duy trì sự gắn kết với họ.

Trẻ trước tuổi vị thành niên (10-12 tuổi)

Khái niệm về cái chết

"Chưa người bạn nào của con gặp phải tình trạng bị mất bố".

"Con biết bà sẽ không bao giờ trở về nữa và con sẽ nhớ bà. Con không hiểu tại sao mẹ lại buồn vì điều đó."

Trẻ trước tuổi vị thành niên nhận thức về cái chết gần như tương tự như trẻ học tiểu học, nhưng có chút hiểu biết hơn. Trẻ trước tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn hình thành tính cách riêng, sống độc lập hơn với cha mẹ và những người lớn khác, và xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn với các bạn cùng độ tuổi. Tìm hiểu về cái chết, trẻ trước tuổi vị thành niên cố gắng hiểu về cả khía cạnh sinh học VÀ tâm lý. Tuy nhiên, chúng có thể hiểu được những thực tế xung quanh cái chết của ai đó nhiều hơn là cảm giác xung quanh cái chết.4

Phản ứng đau buồn

Thông thường, trẻ trước tuổi vị thành niên muốn che dấu cảm giác và cảm xúc của mình để không "khác biệt" với bạn bè mình. Chúng sợ rằng việc thể hiện cảm giác buồn có thể là dấu hiệu của sự yếu đuối (đặc biệt là các cậu bé). Vì lý do đó, chúng có thể xa cách và thờ ơ.

Chúng cũng có thể thể hiện sự đau buồn của mình một cách không bình thường, như qua các cơn giận dữ, cáu kỉnh và hành vi bắt nạt. Họ có thể biểu hiện các triệu chứng thể chất, tâm trạng, thay đổi thói quen ăn ngủ, thờ ơ với việc học hoặc cách ly với bạn bè đồng trang lứa.

Chúng có thể lo lắng về các vấn đề thực tế sau cái chết của ai đó, như gia đình sẽ sống như thế nào nếu không có người đó hoặc ai sẽ chăm sóc chúng. Chúng cũng có thể đặt ra các câu hỏi liên quan đến niềm tin tôn giáo và văn hóa về cái chết.

¹Atle Dyregrov, Nỗi đau buồn ở trẻ em: Cẩm nang dành cho người lớn (London: Jessica Kingsley Publishers, 1990), tr.43.

²Wiliam C. Kroen. Ph.D., LMHC, Giúp đỡ trẻ em đối phó với việc mất đi người thân yêu (Minneapolis: Free Spirit Publishing Inc.), tr.41.

³Helen Fitzgerald, Đứa trẻ đau buồn (New York: Simon & Schuster, 1992), tr.56.

4Theresa Huntley, Giúp trẻ em đau buồn (Augsburg: Augsburg Fortress, 1991), tr. 17

Tìm hiểu xem liệu chăm sóc cuối đời có thể hỗ trợ cho người thân của quý vị hay không.

BÁC SĨ LÂM SÀNG: ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CỦA CHÚNG TÔI

Tham gia danh sách email của chúng tôi cho hội thảo trực tuyến, tin tức chăm sóc cuối đời và nhiều thông tin khác.