Hướng dẫn trợ giúp trẻ em khi đau buồn

Trẻ em thể hiện nỗi đau buồn theo cách riêng của chúng 

Ở những thế hệ trước, ông bà thường sống cùng gia đình nên cái chết trước đây là một phần tự nhiên hơn trong trải nghiệm của trẻ và thường xảy ra tại nhà. Trẻ tận mắt chứng kiến quá trình già đi và cái chết.  

Nhưng ngày nay, cái chết nhiều khả năng hơn sẽ diễn ra ở viện dưỡng lão hoặc bệnh viện, nên trẻ không thấy và trải nghiệm. Do đó, việc cái chết không hiện hữu trong cuộc sống của trẻ đòi hỏi chúng ta phải dạy cho trẻ một cách rõ ràng về cái chết và sự đau buồn.  

Mặc dù nhà phân tích tâm lý Sigmund Freud đã tranh luận trong bài Mourning and Melancholia (Thương tiếc và u sầu) rằng trẻ nhỏ không có khả năng thương tiếc, nhưng nghiên cứu đương đại đã kết luận rằng trẻ có khả năng chấp nhận cái chết và thể hiện sự đau buồn, thường là một cách không liên tục và trong khoảng thời gian dài hơn so với người lớn.[i] Nhưng trẻ cũng tiếp cận và xử lý nỗi đau buồn theo cách khác với người lớn. 

Thể hiện sự đau buồn giúp người lớn và trẻ em trở lại bình thường sau nỗi đau và đây là một phản ứng tự nhiên trước cái chết của người thân yêu. Đôi khi, người lớn cố gắng bảo vệ trẻ khỏi nỗi đau mất mát cũng thường cố gắng bảo vệ cho chính họ. Hãy lưu tâm tới những gợi ý sau đây khi trẻ đang trải qua nỗi đau buồn: 

  • Để trẻ thể hiện sự đau buồn theo cách riêng và thời gian riêng của chúng 
  • Đừng bắt ép trẻ trở lại hoạt động bình thường nếu chúng chưa sẵn sàng. 
  • Cảm xúc của trẻ có thể hiện lên qua hành vi và cách chơi đùa, mà không qua cách trò chuyện và thảo luận. Đơn giản là vì trẻ chưa biết dùng lời nói để mô tả cảm xúc (ví dụ: trẻ có thể cười hoặc chơi đùa vào thời điểm mà người lớn cảm thấy không thích hợp). 
  • Phản ứng bình thường của trẻ đối với cái chết có thể trở thành “những cơn đau buồn bột phát”, sau đó là chơi đùa và hoạt động bình thường.  

Lời khuyên khi nói với trẻ về cái chết 

  • Giữ cho cuộc hội thoại cởi mở: Trẻ em cần cảm thấy ổn khi nói về cái chết và sự đau buồn, và cảm xúc giận dữ, buồn bã, sợ hãi và ân hận là bình thường. Người lớn cần để trẻ đang đau buồn biết rằng họ luôn có mặt để lắng nghe và giúp đỡ trẻ. Ôm và âu yếm có thể giúp trẻ đang đau buồn cảm thấy an tâm hơn khi thể hiện cảm xúc, qua đó mang lại sự yên tâm về tình yêu và sự chăm sóc liên tục. Alan Wolfelt cảm thấy rằng nếu không được để ý, trẻ đang đau buồn có thể sẽ phải chịu cảm giác chia cách nhiều hơn là chính cảm giác mất mát.[ii] Đồng thời, người lớn cần phải tôn trọng mong muốn không nói về nỗi đau buồn của trẻ. 
  • Hiểu những điều quý vị nói và những gì trẻ làm: Trẻ có thể kìm nén nỗi đau buồn hoặc nhận thấy những kỳ vọng vô lý nếu chúng ta nói với trẻ những điều như “Đừng khóc. Con cần mạnh mẽ lên” hoặc “Bây giờ con là người đàn ông trong gia đình” hay “Hãy là một cô bé ngoan. Lúc này mẹ con cần con giúp đỡ hơn bao giờ hết.” Không nên để hoặc kỳ vọng trẻ đang đau buồn đóng vai trò là “bạn tâm giao” hay bạn đồng hành của cha mẹ còn sống.  
  • Chia sẻ cảm xúc của chính quý vị với trẻ: Việc không che giấu nỗi buồn của mình giúp người lớn dạy cho trẻ thấy rằng những cảm xúc đó là bình thường và không có gì đáng xấu hổ hay sự cô đơn gắn với nỗi đau buồn. Tuy nhiên, người lớn cũng không nên đau buồn thái quá hoặc trong thời gian dài trước mặt trẻ, bởi những hành vi này có thể khiến trẻ sợ hãi hoặc lo lắng.  

Cha mẹ có thể được khuyên “gửi trẻ ở nơi khác” (tới nhà của người thân hoặc bạn bè) sau khi ai đó qua đời, để bảo vệ trẻ không cảm thấy đau buồn hoặc vì khó có thể chăm sóc cho trẻ khi chính họ đang đau buồn. Chỉ cần hiểu rằng, trong giai đoạn đau buồn, trẻ thường cảm thấy thoải mái nhất với môi trường xung quanh và thói quen thân thuộc, và sự chia cách có thể làm tăng nỗi sợ của trẻ về việc bị bỏ rơi. 

Vai trò của Đức tin và Tôn giáo 

Tôn giáo là nguồn sức mạnh quan trọng cho nhiều người lớn và trẻ em trong quá trình đau buồn. Nhưng hãy nhớ rằng, trẻ thường hiểu mọi thứ theo nghĩa đen. Nên những lời giải thích như “Đó là ý của Thượng Đế” hay “Bonnie sẽ hạnh phúc trên thiên đường” có thể đáng sợ hoặc khó hiểu hơn là an ủi, đặc biệt là khi tôn giáo không đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ em. Yêu cầu trẻ dùng từ ngữ của chính mình để giải thích suy nghĩ về những gì đã xảy ra hoặc suy nghĩ về cái chết. Để trẻ thể hiện mối quan tâm về tôn giáo và tâm linh. Khi trẻ hỏi về cái chết, hãy xoay chuyển câu hỏi (“Suy nghĩ của con như thế nào?”) và để trẻ nói tự nhiên. 

Buồn rầu 

Trẻ đang đau buồn có tâm trạng buồn rầu hoặc chán nản xứng đáng nhận được sự hỗ trợ và quan tâm liên tục để chúng có thể bày tỏ nỗi buồn rầu của mình và vượt qua những cảm xúc. Chuyên viên chăm sóc cho người đau buồn Helen Fitzgerald gợi ý: 

  • Mỹ thuật là phương pháp trị liệu: Yêu cầu trẻ vẽ những ký ức tốt đẹp và ký ức buồn về người đã qua đời và chia sẻ tranh vẽ với người khác.  
  • Hình ảnh là phương pháp trị liệu: Yêu cầu trẻ cho xem những bức ảnh người thân, miêu tả vật lưu niệm với người khác và làm một cuốn sổ lưu niệm. 
  • Liệu pháp tưởng tượng hoặc giả định: Khi trẻ cảm thấy tuyệt vọng, hãy hỏi về sự mất mát để trẻ tưởng tượng cuộc sống sẽ như thế nào nếu chúng quá đau buồn.  
  • Liệu pháp vận động và chơi đùa: Khuyến khích trẻ bị chán nản tham gia hoạt động thể chất hoặc chủ động chơi đùa. [iii] 

Johnny đã rất lãnh đạm và chán nản trong vài tháng sau cái chết của mẹ cậu. Cuối cùng, cố vấn đau buồn đã gợi ý cho cậu làm một "chiếc hộp gửi cho Thượng Đế”. Cậu có thể viết ra hết tất cả những cảm xúc đau buồn và đặt vào chiếc hộp, sau đó Thượng Đế sẽ giúp cậu cảm thấy tốt hơn. Hầu như ngày nào cậu cũng viết một thông điệp mới và cha cậu nhanh chóng nhận thấy rằng cậu dường như đã vui vẻ hơn. 

Giận dữ 

Trẻ thường dễ cảm thấy tức giận hơn là buồn rầu hoặc tội lỗi. Tuy nhiên, sự giận dữ cần được thể hiện để nó không leo thang hoặc trầm trọng hơn. Người lớn có thể giúp trẻ học cách thể hiện sự giận dữ theo cách có tính xây dựng để cảm xúc này không lớn dần thành trầm cảm hoặc ngoài tầm kiểm soát.  

  • Hãy để trẻ giải tỏa cơn giận bằng hoạt động thể chất: Để trẻ xua tan cơn giận bằng cách chạy bộ, tập thể dục, viết nguệch ngoạc trên giấy, xé giấy, hát hoặc nặn đất sét. 
  • Đặt câu hỏi khi cơn giận dữ chưa lên đến đỉnh điểm. Đợi đến khi cơn giận dữ đã nguôi bớt rồi hỏi trẻ về sự giận dữ của chúng. Đặt các câu hỏi mở, chẳng hạn như “Điều gì thường khiến con cảm thấy giận dữ?” “Làm thế nào để cơ thể con mách bảo rằng con đang trở nên giận dữ?” Việc thấu hiểu cơn giận dữ theo cách này có thể giúp giảm bớt căng thẳng cảm xúc và tạo cho trẻ cảm giác kiểm soát được chính mình khi tìm hiểu những yếu tố gây ra phản ứng giận dữ. 
  • Hãy để trẻ đưa ra giải pháp đối phó với cơn giận dữ. Hỏi xem trẻ cho rằng đâu là cách phù hợp hơn để đối phó với cảm xúc giận dữ, nhưng hãy nhớ rằng người lớn có trách nhiệm đặt ra giới hạn đối với hành vi của trẻ đang giận dữ vì bị mất mát người thân (ví dụ: “Con không được phép đánh người khác, nhưng được phép đánh vào chiếc gối này”).  Việc duy trì các quy tắc và công việc gia đình làm tăng cảm giác bình thường và an toàn cho một đứa trẻ đang đau buồn. 

Stephen đã rất gắn bó với người ông của cậu. Khi ông của cậu qua đời, cha mẹ của Stephen nhận thấy rằng cậu bắt đầu bắt nạt các em của mình và gây gổ đánh nhau ở trường. Cha mẹ cậu đã gọi cho huấn luyện viên bóng bầu dục của cậu và nhận được gợi ý rằng Stephen có thể “giải tỏa” thái độ hung hăng bằng cách ở lại sau buổi tập và “húc vào” các cầu thủ mô hình. Sau hai tuần tập luyện “thêm”, Stephen đã bớt hung hăng hơn nhiều với những đứa trẻ khác. 

Tội lỗi và hối tiếc 

Một số đứa trẻ cảm thấy hối tiếc về những khía cạnh nhất định trong mối quan hệ giữa chúng với người đã qua đời. Trẻ có thể hối tiếc về những điều đã không xảy ra hoặc đã không được nói khi trước đây chúng đã có cơ hội làm điều đó. Ví dụ có thể kể đến là: “Con chưa từng nói với mẹ rằng con yêu mẹ”, “Con đã nói dối bố và chưa từng nói sự thật”, “Con đã giận mẹ vào ngày mẹ ra đi”, “Con không có cơ hội nói lời tạm biệt”. 

Fitzgerald mô tả những kỹ thuật hữu ích để giúp trẻ vượt qua cảm giác tội lỗi và hối tiếc. 

  • Viết một bức thư gửi tới người thân yêu: Hãy bảo trẻ kể về “việc còn dang dở” khiến chúng lo lắng hoặc viết ra lý do khiến trẻ cảm thấy tội lỗi. Đính lá thư vào quả bóng bay và thả lên trời, hoặc đốt lá thư trong đống lửa và để khói và tro bụi bay lên trời. 
  • Dùng nghệ thuật để vượt qua cảm giác tội lỗi và hối tiếc: Trẻ chưa biết viết có thể vẽ tranh mô tả sự lo lắng, hối tiếc hoặc tội lỗi. Đối với trẻ nhỏ hơn, chơi búp bê hoặc con rối có thể giúp chúng vượt qua những cảm giác này. [iv] 

 

Sau khi mẹ của Emily qua đời, cha của cô bé nhận thấy rằng Emily rất bận tâm và không thể tập trung vào việc học. Sau vài tháng, ông giới thiệu cô bé tới cố vấn của trường, là người có kinh nghiệm giúp đỡ trẻ bị mất người thân. Khi bà gợi ý Emily viết thư cho mẹ, Emily đã tỏ ra nhẹ nhõm khi có thể liên lạc với mẹ theo cách này. Sau đó, Emily đã nhờ cố vấn đọc những lá thư. Emily tin rằng có rất nhiều cách mà em đáng lẽ đã có thể ngăn được cái chết của mẹ. Sau khi cố vấn đọc một vài trong số những bức thư và giảng giải cho Emily về bản chất của căn bệnh nặng mà mẹ em mắc phải, Emily bắt đầu cảm thấy thoải mái và có thể tập trung trở lại vào việc học. 

Sợ hãi 

Một việc quan trọng là phải giúp trẻ đang sợ hãi nhận biết cụ thể điều gì đang khiến chúng hoảng sợ, rồi sau đó giải quyết lần lượt từng nỗi sợ. Thông thường, trẻ đang sợ hãi cần được trấn an liên tục rằng mọi chuyện sẽ ổn. Cha mẹ hoặc một người lớn quan trọng khác nên dành thời gian riêng và tập trung cho trẻ đang đau buồn để an ủi trẻ rằng chúng đặc biệt và luôn được yêu thương. 

Cả hai người anh chị em của Anwar đã bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn ô tô. Sau đó nhiều tháng, Anwar rất sợ ngồi trên xe và cũng rất sợ rằng một người thân khác của cậu sẽ ra đi. Cha mẹ và gia đình cậu đã dành rất nhiều sự yêu thương và chăm sóc cho cậu trong suốt thời gian này. Cha của Anwar đã quyết định giúp cậu đối mặt với nỗi sợ ngồi trên ô tô bằng cách thực hiện dần dần từng bước. Trước tiên, hai cha con Anwar ngồi trên xe một lúc lâu rồi Anwar bày tỏ nỗi buồn về sự mất mát mà cậu hứng chịu và sự tức giận đối với tài xế đã gây ra tai nạn. Sau đó, cha của Anwar lái xe ra khỏi chỗ đậu xe và trấn an rằng cậu bé vẫn an toàn. Ngày hôm sau ông lái xe xuống phố và trấn an rằng Anwar đã có một chuyến đi hoàn hảo với tư cách là hành khách. Không lâu sau, Anwar đã có thể ngồi xe mà không thấy sợ hãi. 

Than phiền về thể chất 

Ở trẻ em, sự đau buồn có có thể tự biểu hiện về mặt thể chất, có thể là đau đầu hoặc đau bụng. Khi một đứa trẻ đang đau buồn thường xuyên than phiền về các triệu chứng thể chất, hãy nhẹ nhàng hỏi về những cảm giác khác mà trẻ có thể đang gặp phải. Ngay cả khi trẻ không để lộ cảm xúc ngay lập tức, nhưng trẻ có thể bắt đầu nhận thấy mối liên hệ giữa cảm xúc và phản ứng của cơ thể. 

Nếu những than phiền về thể chất của trẻ giống với những gì mà người thân mới qua đời của trẻ gặp phải, thì hãy dùng những từ ngữ dễ hiểu với trẻ để nhắc lại cho trẻ hiểu lý do mà người thân đã qua đời. Có thể, cũng nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa để bác sĩ trấn an trẻ rằng mọi thứ vẫn ổn. 

Jose đã than bị đau đầu trong nhiều tuần sau cái chết của cha cậu. Vì là anh cả nên Jose thấy mình phải “mạnh mẽ” để mẹ và các em không bị lo lắng, nên cậu rất ít thể hiện cảm xúc. Hai tháng sau khi cha cậu qua đời, người chú của Jose đã hỏi cậu có muốn tới thăm nghĩa trang hay không. Khi hai người gần đến ngôi mộ, Jose bắt đầu bật khóc. Jose và chú của mình dành vài tiếng để cậu trò chuyện với cha và hồi tưởng cùng với người chú. Sau đó, Jose không còn than bị đau đầu nữa. 

Cân nhắc đặc biệt – Cha mẹ hoặc người lớn quan trọng qua đời 

Cái chết của cha mẹ là điều đặc biệt khó khăn đối với một đứa trẻ, vì trẻ phụ thuộc vào cha mẹ để tồn tại và sống ổn định. Phyllis Silverman tin rằng khi một đứa trẻ cảm thấy mất mát sâu sắc, thì cách chúng nói về cha mẹ hoặc một người lớn quan trọng vừa qua đời, cũng như vị trí của cha mẹ vừa qua đời trong cuộc sống của trẻ thậm chí có thể còn trầm trọng hơn sự hiểu biết về cái chết mà ở độ tuổi của trẻ có thể hiểu được.[v] Cái chết của cha hoặc mẹ trẻ còn có thể là điều càng khó khăn hơn nếu nó diễn ra đột ngột HOẶC nếu trẻ thiếu đi một người thay thế vững chắc. [vi] 

Một số trẻ tưởng tượng rằng cha mẹ em sẽ quay lại; một số trẻ khác lại muốn chết đi để được đoàn viên với cha mẹ đã qua đời. Đây thường là mong muốn thoáng qua chứ không phải là ý định tự tử thực sự. Tuy nhiên, nên hỏi trẻ kỹ hơn để tìm hiểu xem trẻ có sẵn kế hoạch cụ thể hay biện pháp cụ thể để thực hiện mong muốn hay không. 

Trong suốt cuộc đời, trẻ cũng sẽ dần thay đổi và thích nghi sau sự qua đời của cha hoặc mẹ. Trẻ sẽ hồi tưởng lại sự qua đời của cha hoặc mẹ mình ở những giai đoạn phát triển khác nhau hoặc cảm nhận thấy sự mất mát một cách khác nhau vào những sự kiện như tốt nghiệp, kết hôn và sinh con. 

Một số trẻ vừa có người thân qua đời lý tưởng hóa cha mẹ hoặc người lớn quan trọng như một cách để lưu giữ những ký ức đẹp đẽ và dễ chịu sống mãi. Điều này có thể hữu ích nếu như nó không ngăn cản trẻ thể hiện cảm xúc giận giữ hoặc đối mặt với “công việc còn dang dở” trong mối quan hệ. Cha hoặc mẹ còn sống nên để trẻ lý tưởng hóa về người đã qua đời và trấn an trẻ bằng tình yêu, sự chăm sóc và che chở.  

Nguồn tham khảo

[i] Charles A. Corr; "What Do We Know About Grieving Children and Adolescents?", in Kenneth J. Doka, editor, Children, Adolescents and Loss: Living With Grief (Washington: Hospice Foundation of America, 2000), p.28. 

[ii] Alan D. Wolfelt, PhD. A Child's View of Grief (Service Corporation International, 1990) page 17. 

[iii] Helen Fitzgerald, The Grieving Child (New York: Simon & Schuster, 1992), p. 

[iv] Helen Fitzgerald, The Grieving Child (New York: Simon & Schuster, 1992), p.122-126. 

[v] Phyllis SR. Silverman, “When Parents Die,” in Kenneth J.Doka, editor, Children, Adolescents and Loss: Living with Grief (Washington: Hospice Foundation of America, 2000), p. 221. 

[vi] Atle Dyregrov, Grief in Children: A Handbook for Adults (London: Jessica Kingsley Publishers, 1990), p.31. 

Người giới thiệu 

Bolby, John (1980). Attachment and Loss: Loss-Sadness and Depression-Volume III. New York: Basic Books. 

Cline, Karen D. et.al. (1988). A Family Guide to Helping Children Cope. California: American Cancer Society. 

Doka, Kenneth J., editor. (2000). Children, Adolescents and Loss: Living with Grief. Washington: Hospice Foundation of America. 

Doka, Kenneth J., editor. (1995). Children Mourning, Mourning Children. Washington: Hospice Foundation of America. 

Dyregrov, Atle. (1990). Grief in Children: A Handbook for Adults. London: Jessica Kingsley Publishers. 

Fitzgerald, Helen. (1992). The Grieving Child. New York: Simon & Schuster. 

Grollman, Earl. (1985). Bereaved Children and Teens: A Support Guide for Parents and Professionals. Boston: Beacon Press. 

Huntley, Theresa. (1991). Helping Children Grieve. Augsburg: Augsburg Fortress. 

Kroen, William C. (1996). Helping Children Cope with the Loss of a Loved One. Minneapolis: Free Spirit Publishing, Inc. 

Osterweis, Marian; Solomon, Frederic; & Green, Morris, editors. (1984). Bereavement: Reactions, Consequences and Cure. Washington: National Academy Press. 

Pennells, Sr. Margaret & Smith, Susan C. (1995). The Forgotten Mourners: Guidelines for Working with Bereaved Children. London: Jessica Kingsley Publishers. 

Wolfelt, Alan. (1983). Helping Children Cope with Grief. Bristol: Accelerated Development. 

Wolfelt, Alan. (1990). A Child's View of Grief: A Guide for Caring Adults. Service Corporation International. 

Worden, J. William. (2001). Children and Grief: When a Parent Dies. New York: Guilford Publications. 

Resources for Grieving Children 

Sách

Buscaliglia, Leo. (1982). The Fall of Freddie the Leaf. Holt, Rinehart and Winston. 

Fassler, Joan. (1971). My Grandpa Died Today. New York: Behavioral Publications Co. 

Krementz, J. (1991). How it Feels when a Parent Dies. Knopf. 

Viorst, Judith. (1972). The Tenth Good Thing About Barney. New York: Atheneum 

Trang web 

www.centerforloss.com

www.griefnet.org 

Tìm hiểu xem liệu chăm sóc cuối đời có thể hỗ trợ cho người thân của quý vị hay không.

BÁC SĨ LÂM SÀNG: ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CỦA CHÚNG TÔI

Tham gia danh sách email của chúng tôi cho hội thảo trực tuyến, tin tức chăm sóc cuối đời và nhiều thông tin khác.