Bạn bè không để bạn bè đau buồn một mình

Khi một người bạn phải hứng chịu sự mất mát

Khi người bạn thân của quý vị phải trải qua nỗi đau mất người thân, họ thường cần tình bạn và sự đồng cảm của quý vị hơn bao giờ hết. Lời chẩn đoán về bệnh nan y hoặc cái chết đôi khi khiến bạn thân và thậm chí các thành viên gia đình tránh mặt người mà họ yêu thương nhất, có thể là do sợ phải nói hay làm điều gì đó sai lầm hay cảm giác buồn bã khi phải đối mặt với nỗi đau buồn hay căn bệnh nặng.

Sự sợ hãi và không chắc chắn đã ngăn cản rất nhiều tương tác có ý nghĩa đáng lẽ nên và phải có giữa những người bạn.

Thể hiện rằng quý vị có thể là nơi dựa dẫm cho bạn bè của quý vị

Quý vị có thể thực hiện một vài bước rất đơn giản để giúp đỡ một người bạn khi họ phải trải qua sự mất mát. Hãy coi những đề xuất sau là tấm bản đồ chỉ đường để biết cách làm điều phù hợp và trở thành người bạn tốt nhất khi họ cần.

1. Có mặt. Nếu quý vị và bạn bè của mình có một tình bạn khăng khít trước khi bệnh tật hay cái chết xảy đến, hãy nhớ rằng đó là điều vô cùng quý giá trong cơn khủng hoảng. Đừng cho rằng sự xuất hiện của quý vị sẽ trở thành gánh nặng. Bạn bè của quý vị (hay gia đình của người bạn đó) sẽ cần những giây phút riêng tư, nhưng khủng hoảng không phải là lúc để họ cách ly với quý vị. Hãy gọi điện thoại để nói xin chào hay bày tỏ lời chia buồn sâu sắc. Viết một bức thư ngắn thân thiết hay gửi một tấm thiệp bày tỏ sự đồng cảm cho họ. Hãy thể hiện sự quan tâm một cách im lặng và thông cảm để làm nguôi ngoai sự tổn thương của họ. Bằng cách ở bên họ, quý vị sẽ cho họ thấy rằng họ được yêu thương, đó là thứ mà họ cần nhất.

2. Lắng nghe. Hãy cho bạn bè biết rằng họ có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc với quý vị. Họ cần tự do nói về những suy nghĩ mâu thuẫn của mình mà không bị ngắt lời hay giáo huấn. An ủi họ rằng trong tình huống đó, cảm xúc của họ là bình thường và rằng quý vị đồng cảm với nỗi đau của họ. Tránh sử dụng những câu nói nhàm chán như "Mình biết bạn cảm thấy thế nào" hay "Hãy hướng đến những điều tươi sáng hơn". Những câu nói này có thể khiến họ đau khổ hơn và có cảm giác xa lạ với quý vị. Thay vào đó, hãy sử dụng những câu nói mở thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm, ví dụ như "Việc này chắc là khiến bạn cảm thấy rất khó khăn" hay "Mình rất buồn vì bạn phải trải qua điều này". Và sau đó để người bạn của quý vị giải bày.

3. Hành động. Đánh giá tình huống và nghĩ về những cách giúp đỡ cụ thể. Thay vì nói "Hãy cho mình biết nếu mình có thể giúp gì cho bạn", hãy nói "Hãy để mình giúp bạn trông bọn trẻ trong khi bạn sắp xếp tổ chức tang lễ". Hãy giúp họ đón những người khách xa từ sân bay. Tổ chức một nhóm hàng xóm hoặc bạn bè sẵn sàng đảm nhận việc nấu ăn, giặt giũ hay dọn dẹp nhà cửa vào những ngày khác nhau trong tuần. Đề nghị gọi điện giúp hay chạy việc vặt. Bằng cách đưa ra những đề xuất cụ thể, quý vị đang giúp giảm bớt những điều gây căng thẳng phổ biến nhất liên quan đến bệnh tật và cái chết.

4. Phản ánh. Ôn lại những thành tích của người đã khuất. Việc kể lại những điều tốt đẹp mà người này đã làm cho cuộc sống của quý vị là điều rất đúng đắn và thích hợp. Chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt làm ấm lòng người còn sống và khẳng định giá trị cuộc sống của người thân của họ.

5. Giữ liên lạc. Tiếp tục giữ liên lạc với bạn bè của quý vị, thậm chí là ba hay sáu tháng sau khi họ trải qua sự mất mát. Gọi điện hoặc đến tận nơi thăm hỏi họ. Đề nghị gặp họ vào kỳ nghỉ hay dịp kỷ niệm đặc biệt, mời họ đến ăn tối hay đơn giản là hẹn họ đi uống cà phê.

Đúng vậy, lời mời của quý vị có thể bị từ chối, điều đó tùy thuộc vào tâm trạng mà họ đang phải trải qua, nhưng đừng để việc này trở thành một hàng rào ngăn cản quý vị giúp đỡ họ vào một thời điểm khác. Bạn bè của quý vị sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn quý vị đã vượt qua sự e ngại của bản thân để mang tới cho họ sự an ủi lớn tới nhường nào.

Tìm hiểu xem liệu chăm sóc cuối đời có thể hỗ trợ cho người thân của quý vị hay không.