Quý vị không trải qua một sự mất mát, quý vị sẽ trải qua rất nhiều sự mất mát

Chúng ta có thể trải qua những mất mát khác nhau

Khi ai đó mà quý vị yêu thương qua đời, bên cạnh nỗi đau chính vì sự mất mát của người này, quý vị thường trải qua rất nhiều nỗi đau khác đi kèm. Những thay đổi về môi trường xã hội, về cá nhân thường đòi hỏi những sự khởi đầu mới. Gia quyến người đã khuất sẽ có lúc xem xét về những điều được và mất sau khi người thân của họ ra đi.

Dưới đây là danh sách những mất mát khác nhau mà một người có thể trải qua sau sự ra đi của người thân.

  1. Mất đi người thân: Nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng đây là sự mất mát duy nhất.
  2. Mất đi một phần của bản thân: Đây chính là phần bản thân đã được trao cho người mà mình yêu thương. Khi người thân qua đời, gia quyến người đã khuất thường cảm thấy như đã "mất đi" một phần thân thể của chính mình.
  3. Mất đi một vai trò quan trọng trong đời: Thường thì mỗi cá nhân được nhận dạng thông qua vai trò họ nắm giữ trong một mối quan hệ. Khi người kia vĩnh viễn ra đi và vai trò đó cũng mất theo, người ta thường cảm thấy mất đi cảm giác trọn vẹn.
  4. Mất sự tự tin của bản thân: Người đang trong giai đoạn để tang thường cảm thấy thiếu vắng một thứ gì đó. Họ thường cảm thấy họ đau buồn chưa thích hợp hay thấy rằng họ đáng ra nên cảm thấy tốt hơn, hay họ đã có thể làm được điều gì đó để ngăn chặn cái chết của người thân.
  5. Mất phong cách sống đã lựa chọn: Cái chết của người thân buộc một người phải bắt đầu một cách sống mới. Ví dụ, người vợ/người chồng còn sống sẽ buộc phải sống độc thân một lần nữa.
  6. Mất đi sự an toàn: Gia quyến của người đã khuất thường mô tả về sự không chắc chắn ấy trong việc không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo hoặc sẽ phải đối phó hoặc phản ứng với chuyện đó như thế nào. Thói quen hàng ngày và thực tế của họ thay đổi, tăng thêm sự bất an.
  7. Mất đi cảm giác an toàn: Một người vợ/người chồng còn sống đã kết luận rằng, "Tôi cảm thấy mình đang phải đương đầu với những cơn gió lạnh buốt của cuộc đời khi không còn người thân bên cạnh. Chuyện đó làm tôi cảm thấy rất dễ bị tổn thương."
  8. Mất đi cấu trúc gia đình đã thân thuộc: Cái chết làm thay đổi ngay kết cấu gia đình của một người, tạo ra mức điều chỉnh khác mà mọi người phải đối mặt.
  9. Mất đi cách thức quen thuộc liên quan tới gia đình và bạn bè: Gia đình và bạn bè thường không biết cách đối phó với nỗi buồn, sự giận dữ, nỗi sợ hãi và các loại cảm xúc khác của gia quyến người đã khuất vì vậy họ có thể tránh hoặc cảm thấy bối rối khi ở bên gia quyến người đã khuất.
  10. Mất đi quá khứ: Những bạn bè, người quen mới có thể rất hỗ trợ và chấp nhận nhưng họ không chia sẻ quá khứ với gia quyến người đã khuất.
  11. Mất đi tương lai: Điều này có thể rất đáng sợ đối với người vừa mất người thân khi suy nghĩ về tương lai, nghĩ về tuần sau, tháng sau hay năm tới khi không còn người thân bên cạnh. Có một nỗi sợ hãi rằng dù tương lai có thế nào đi nữa thì sẽ vẫn có những khoảnh khắc đau buồn như hiện tại.
  12. Mất phương hướng: Như nhận định của một người đàn ông vừa mất đi vợ của mình "Từ khi vợ mất, tôi dường như không còn mục đích sống, có vẻ như chẳng còn gì là quan trọng nữa."
  13. Mất đi ước mơ: Nhiều gia quyến của người đã khuất than thở rằng những ước mơ về tương lai sẽ không trở thành hiện thực nữa.
  14. Mất niềm tin: Gia quyến người đã khuất thường cảm thấy bất an về việc không còn yêu thương người khác sâu nặng như người quan trọng đã mất. Họ có thể sợ lại phải chịu đựng một sự mất mát khác. Nhiều gia quyến người đã khuất chỉ ra rằng họ cũng gặp khó khăn trong việc tin tưởng vào bản thân một lần nữa vì cảm giác bất an khắc sâu trong tâm khảm.
  15. Mất đi sự chia sẻ với người thân: Nhiều gia quyến người đã khuất than thở mất đi người bạn đồng hành để chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Họ than thở mất đi người bạn thân nhất, người bạn tâm tình. Những vị phụ huynh có con đã chết thường cho biết họ cảm thấy như bị tước đi quyền trải nghiệm "những năm tháng trưởng thành" cùng con mình.
  16. Mất khả năng tập trung: Toàn bộ con người của gia quyến người đã khuất bị ảnh hưởng nặng nề về sự mất mát đó và bắt đầu cảm thấy khó tập trung vào bất cứ thứ gì ngoại trừ những điều thiết yếu để qua ngày.
  17. Mất khả năng xem xét các lựa chọn: Do những thay đổi trong cách sống do sự mất mát gây ra không phải là một lựa chọn, nhiều gia quyến người đã khuất có cảm giác vô thức rằng họ không còn khả năng kiểm soát cuộc đời của mình.
  18. Mất khả năng đưa ra quyết định: Do sự bất an và thiếu sự tự tin, gia quyến người đã khuất có thể gặp khó khăn khi phải đưa ra quyết định. Họ cũng có thể trở nên bối rối khi nhận được lời khuyên khác nhau từ người khác.
  19. Mất đi cảm giác hài hước: Đôi khi rất khó để nhận thấy bất cứ thứ gì hài hước khi một trong những người quan trọng nhất cuộc đời mình không còn sống trên đời.
  20. Mất sức khỏe: Sự căng thẳng đau buồn về tình cảm và tâm lý thường gây ra các vấn đề về thể chất như buồn nôn, đau nửa đầu, căng cơ, đau lưng, v.v.
  21. Mất niềm vui và hạnh phúc nội tại: Rất khó để cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi cuộc sống của quý vị như bị sụp đổ sau khi mất đi ai đó quan trọng trong đời.
  22. Mất đi sự kiên nhẫn với bản thân: Thường thì gia quyến người đã khuất muốn được giải thoát khỏi nỗi đau của họ; họ muốn cảm thấy tốt hơn ngay và có thể cảm thấy không thỏa đáng khi cảm giác đau buồn kéo dài hơn tưởng tượng.

Cho dù quý vị đã mất người bạn đời, cha mẹ hay người thân khác, gia đình và bạn bè thường khó hiểu tại sao quá trình đau buồn kéo dài quá lâu. Tất cả chúng ta đều muốn thấy những người thân yêu của mình được hạnh phúc và "tiếp tục cuộc sống". Điều quan trọng là gia đình và bạn bè phải nhận thức được nhiều mức độ mất mát. Nhận thức này có thể giúp những người chăm sóc gia quyến người đã khuất trở nên kiên nhẫn hơn và thấu hiểu hơn.

Tìm hiểu xem liệu chăm sóc cuối đời có thể hỗ trợ cho người thân của quý vị hay không.