Một ngày trong cuộc sống của giáo sĩ chăm sóc cuối đời

Mỗi ngày, Robert tới thăm một vài bệnh nhân

"Tiến trình đi đến cái chết cũng tựa như chúng ta chuẩn bị cho một chuyến đi,"  Robert Cemillan, giáo sĩ của VITAS cho biết. "Khi quý vị lên kế hoạch cho một chuyến đi, việc chuẩn bị chính là xác định chuyến đi đó sẽ như thế nào và nó sẽ kết thúc ra sao. Với chuyến đi này, quý vị sẽ chỉ được phép mang theo những ký ức và tình yêu trong hành trang của mình.

Một giáo sĩ chăm sóc cuối đời bên bệnh nhân được chăm sóc cuối đờiRobert đã là giáo sĩ của VITAS trong hơn bốn năm qua. Ông là một trong số hàng trăm giáo sĩ phục vụ trong các nhóm chăm sóc cuối đời liên ngành của VITAS tại các văn phòng ở khắp Hoa Kỳ. Cùng với một giáo sĩ, mỗi nhóm sẽ bao gồm một bác sĩ, y tá, chuyên viên chăm sóc cuối đời, nhân viên xã hội, tình nguyện viên và chuyên gia hỗ trợ tang chế. Cùng với nhau, họ giải quyết các nhu cầu về thể chất, tinh thần và tâm linh mà bệnh nhân và người thân của họ đang phải đối mặt ở giai đoạn cuối đời. 

Vai trò hỗ trợ tâm linh không chỉ đơn thuần là cầu nguyện

Là một giáo sĩ chăm sóc cuối đời, nhiệm vụ của Robert không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện. Ông là giáo sĩ duy nhất ở nhóm chăm sóc tại gia số 135 tại Kendall, Florida của VITAS. Ông có trách nhiệm giải quyết các nhu cầu tâm linh khác nhau cho hơn 60 bệnh nhân mắc bệnh nan y và gia đình họ, đi gặp tới sáu bệnh nhân mỗi ngày. Dù chịu trách nhiệm khu vực phần lớn có người Tây Ban Nha sinh sống, ông có bệnh nhân với nhiều nền tảng văn hóa và tôn giáo khác, bao gồm người Do Thái, người Creole và người Châu Á. Robert coi vai trò của mình không chỉ đơn thuần là về mặt tôn giáo.

"Tôi giống một huấn luyện viên hơn," ông nói. "Tôi giúp gia đình tìm ra câu trả lời của riêng họ và cách tự giải thoát khỏi những nỗi băn khoăn và sợ hãi." Vào bất kỳ ngày nào, ông có thể giải quyết vấn đề tâm linh xung quanh các lệnh Không hồi sức, giúp một gia đình thu xếp tang lễ, hoặc lặng lẽ đọc Kinh cho một bệnh nhân.

Chuẩn bị cho ngày lắng nghe

Một ngày trong đời của giáo sĩ chăm sóc cuối đời này thường bắt đầu từ lúc 8:30 SA khi ông gọi cho bệnh nhân mà ông muốn tới thăm ngày hôm đó. Sau đó ông xem lại các ghi chú và các thói quen của từng bệnh nhân trước khi ra ngoài.

"Quý vị sẽ không thể biết trước được mình sẽ gặp phải chuyện gì khi tới nhà bệnh nhân," ông cho biết. "Đôi khi tôi sẽ dành khoảng hai tiếng bên một gia đình và đôi lúc chỉ có 20 phút, tùy vào tình hình tại đó."

Phẩm chất quan trọng nhất mà một giáo sĩ chăm sóc cuối đời có thể có, ông nói, là khả năng lắng nghe. "Tôi thường dùng cái tôi gọi là 'câu hỏi toàn năng' nhằm khuyến khích mọi người nói về cảm nhận của họ. Khi nghe thấy họ nói, 'Tôi sợ rằng mẹ tôi đang hấp hối,' tôi nói, 'Tôi có thể nhận thấy điều đó; quý vị có thể cho tôi biết tại sao quý vị lại sợ hãi không?'

"Tôi cố gắng tránh ngắt lời họ và để họ nói hết ra suy nghĩ của mình. Sau đó có thể là một chút khoảng lặng. Khi mới bắt đầu làm giáo sĩ, tôi thấy im lặng là một điều rất khó. Giờ đây, tôi tôn trọng những khoảng lặng đó, vì tôi hiểu rằng tôi không có mặt ở đây để sửa chữa mọi thứ."

Gặp gỡ Isobel, người đang đau buồn khi vừa mất người thân

Hôm nay bắt đầu bằng chuyến thăm Isobel, chồng của bà ấy vừa mất cách đây một tuần. Ông ấy là một trong những bệnh nhân đầu tiên của Robert với tư cách là giáo sĩ của VITAS và Robert có mặt bên giường bệnh khi ông qua đời. Trước khi bước ra khỏi xe, Robert nhét chiếc khăn mùi xoa gấp gọn vào trong túi sau.

Ngôi nhà yên ắng, chiếc ghế bập bênh của Isobel chầm chậm chuyển động khi bà và Robert trò chuyện về chồng của bà. Cả hai người họ cùng liếc nhìn về chiếc ghế bỏ trống kế bên chiếc ghế sô-pha của ông ấy. Robert lắng nghe Isobel kể về cô con gái, người đang muốn Isobel chuyển tới sống cùng, cô ấy sống cách đây ba tiểu bang. Isobel nói bà đã sẵn sàng chuyển đi, ở đây có quá nhiều kỷ niệm. Bà và chồng mình làm lễ cưới vào năm 1949. Nhưng bà không chắc rằng bà muốn rời khỏi thành phố, nơi đã trở thành nhà của bà trong một thời gian rất dài rồi. Robert khẳng định với Isobel rằng bà không phải vội đưa ra những quyết định đó vào lúc này. Ông nắm tay bà khi nói thêm về mất mát của bà; Robert đưa cho bà chiếc mùi xoa khi nhìn thấy mắt bà ngấn lệ.

Vì Isobel đã 83 tuổi, có một cuộc hôn nhân lâu dài và bền chặt, hơn nữa lại không có bất kỳ người thân gia đình nào sống gần bên, nhóm VITAS đã xây dựng một kế hoạch chăm sóc gia quyến đặc biệt dành cho bà. Họ tin rằng bà cần được quan tâm nhiều hơn trong suốt giai đoạn để tang này, vì vậy Robert và chuyên gia hỗ trợ tang chế sẽ gặp bà thường xuyên hơn những người khác khi họ có mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Điện thoại gia đình đổ chuông và Robert coi đó là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc rời đi. Ông đã ở cùng Isobel gần tiếng đồng hồ. "Điều quan trọng là cần phải biết khi nào nên rời đi," ông giải thích sau đó. "Đó là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng đối với họ và thời gian của họ. Tôi muốn còn được chào đón ở lần sau." Nhưng trước khi rời đi, ông khuyến khích Isobel gọi cho ông nếu bà thấy cần được trò chuyện. Ông nói với bà rằng ông sẽ gọi cho bà và sẽ quay lại vào tuần tới.

Fred và Elaine đang phải đối mặt với đau buồn dự đoán trước

Một giáo sĩ chăm sóc cuối đời bên bệnh nhân được chăm sóc cuối đờiChẳng cần phải gõ cửa nhà của Fred và Elaine* vì Fred chẳng bao giờ khóa cửa vào ban ngày. Một người đàn ông cao, gầy, chạc 89 tuổi có bộ ria mép nhỏ cùng nụ cười rộng mở tiếp đón Robert. Vợ ông, Elaine là bệnh nhân được chăm sóc cuối đời của VITAS. Cặp vợ chồng này không có con cái và cũng chẳng có người thân nào sống cùng trong thị trấn. Sau hơn 50 năm cưới nhau, Fred đang phải đấu tranh để chấp nhận lời chẩn đoán bệnh giai đoạn cuối của vợ mình, còn bà lại lo chuyện gì sẽ xảy ra với ông sau khi bà ra đi.

Trong khi chuyên viên chăm sóc cuối đời tắm cho Elaine, Robert có cơ hội trò chuyện riêng với Fred và tìm hiểu tình hình của ông dạo này ra sao. Robert chú tâm lắng nghe khi Fred nói về vợ mình, giọng ông chất chứa đầy cảm xúc, đôi mắt ngấn lệ còn ngón tay ông thì gõ nhẹ xuống bàn. Fred đang trải qua giai đoạn "đau buồn dự đoán" theo lời của Robert, hay còn gọi là đau buồn diễn ra trước một sự ra đi đã biết trước trong tương lai.

"Khi có một ai đó sắp ra đi, người chăm sóc trong gia đình sẽ thấy lo lắng về tương lai," Robert giải thích. "Vai trò của tôi là bắt đầu làm việc ngay từ bây giờ để giúp họ thử đối mặt với tương lai theo một cách thích hợp. Hôm nay tôi sẽ mời Fred hãy thử chỉ sống một ngày một lần."

Chuyên viên chăm sóc cuối đời đẩy xe lăn của Elaine vào trong phòng. Bà ngồi trên xe lăn, tóc được chải gọn gàng nhưng đôi mắt long lanh ngấn lệ. Bà lo về Fred, đây là chủ đề mà bà đã cùng Robert thảo luận rất lâu vào những lần tới thăm trước đây. Hôm nay, Robert khuyến khích họ trò chuyện về những ký ức vui vẻ. Fred mang ra bức ảnh cưới của họ và không lâu sau, cặp đôi trò chuyện, cười nói và cùng nhớ về khoảng thời gian tươi đẹp.

Rebecca: Một bệnh nhân được chăm sóc cuối đời mới

Bệnh nhân tiếp theo mà Robert tới thăm là bệnh nhân mới của VITAS. Mãi đến ngày hôm qua, Rebecca vẫn sống trong một cơ sở chăm sóc dành cho người già hoặc tàn tật. Con trai bà, người hiện đang không sống cùng thị trấn, đã muốn bà được chuyển về nhà bạn bè của gia đình và bắt đầu tiếp nhận dịch vụ chăm sóc cuối đời.

Đây là lần đầu tiên Robert tới thăm Rebecca và những người chăm sóc mới của bà. Bên trong ngôi nhà rộng rãi, Rebecca đang ngủ yên. Nhân cơ hội này, Robert tự giới thiệu bản thân và giải đáp các thắc mắc mà cặp vợ chồng chăm sóc đặt ra. Ông nói với con trai của Rebecca qua điện thoại, họ nói về việc thu xếp tang lễ. Trong khi Robert ở đó, y tá nhóm chăm sóc đến và bắt đầu tiến hành đánh giá tình hình của Rebecca. Không lâu sau đó, kỹ thuật viên về dụng cụ y tế tại gia của VITAS chuyển đến giường bệnh viện cùng các vật tư và dụng cụ khác mà Rebecca sẽ cần tới. Đến khi Robert rời đi, bệnh nhân mới và những người chăm sóc mới của bà đã được chăm sóc tận tình.

Tập trung vào bệnh nhân chứ không phải là thuyết thần học cá nhân của ông

Robert chưa bao giờ đưa các đức tin thần học hoặc ý kiến cá nhân vào các cuộc thảo luận. Ông đáp ứng bệnh nhân "theo đức tin của họ" như lời ông nói. Ông tiếp xúc với từng bệnh nhân với một tâm hồn rộng mở và tránh đưa ra các giả định về tôn giáo, văn hóa hoặc đức tin của họ. Nếu có ai đó yêu cầu, Robert sẽ đọc Kinh thánh. Nếu ông không thể đọc bằng ngôn ngữ của họ, ông có sẵn ứng dụng trên điện thoại để đọc Kinh thánh bằng hàng tá ngôn ngữ khác nhau. Khi bệnh nhân yêu cầu, Robert cũng có thể hành lễ như một linh mục, giáo sĩ hoặc một lãnh đạo tinh thần khác.

Ông nói thách thức lớn nhất của mình chính là việc kết nối với bệnh nhân mà không để những vấn đề của họ tác động tới cuộc sống riêng của ông. Niềm vui lớn nhất của ông chính là được "giúp cung cấp trợ giúp và niềm hy vọng, hy vọng giảm bớt nỗi đau, giảm bớt nỗi buồn và thể hiện được sự khổ đau của họ. Để bệnh nhân và các gia đình biết rằng họ không cô đơn."

"Công việc của tôi là một phước lành"

Robert có bằng y khoa tại quê hương Cuba của mình, ông đang hoàn tất thời gian đào tạo nội trú cả về y học gia đình và lão khoa. Trong thời gian làm việc tại một phòng khám lão khoa, ông đã phát hiện ra niềm đam mê giúp đỡ người cao tuổi của mình. Nhưng công việc của ông lại chuyển sang một ngã rẽ khác khi ông quyết định trở thành mục sư và bắt đầu công việc của mình cùng mục sư giáo hội Trưởng lão địa phương. Sau khi dành được bằng cao học về thần học từ một chủng viện giáo hội toàn thế giới tại Cuba, ông đã làm việc tại quê nhà Cardenas, nơi ông được phong chức làm mục sư giáo hội Trưởng lão.

Robert di dân sang Hoa Kỳ vào năm 2009 để giảng dạy Kinh thánh tại một trường thuộc giáo hội Trưởng lão. Năm 2012, ông hoàn tất chương trình đào tạo y tế cho giáo sĩ (CPE) kéo dài hai năm của VITAS trước khi bắt đầu làm việc với tư cách là một giáo sĩ chăm sóc cuối đời tại nhóm chăm sóc tại gia số 135.

Robert coi công việc của mình như "một lời kêu gọi từ Chúa trời. Công việc của tôi là một phước lành," ông nói. "Tôi không cảm thấy buồn khi quay lại làm việc vào thứ Hai, hay khi sếp của tôi gọi cho tôi vào giữa đêm để yêu cầu tôi tới gặp một bệnh nhân." Mỗi tháng một lần, Robert lại vào phiên trực, bắt đầu từ 5:00 giờ tối thứ Sáu đến 8:00 giờ sáng thứ Bảy. Thường thì chỉ bị gọi ra ngoài một lần trong khoảng thời gian đó, nhưng ông cho biết ông đã từng bị gọi ra ngoài tới bốn lần. Hầu hết những chuyến thăm muộn đó đều là tới gặp gia đình có bệnh nhân đang hấp hối. "Khi chuyện này xảy ra," ông giải thích, "Tôi có trách nhiệm ghi lại chính xác thời gian tử vong, gọi điện cho nhà tang lễ và hỗ trợ gia đình."

"Phương thuốc tốt nhất chính là tình yêu và sự hỗ trợ"

Cuối cùng thì làm việc với tư cách là một giáo sĩ chăm sóc cuối đời, mọi chuyện đơn giản nhưng cũng chứa đựng nhiều điều phức tạp.

"Phương thuốc tốt nhất dành cho ai đó sắp ra đi mãi mãi," Robert cho biết, "chính là mang lại cho họ tất cả tình yêu và sự hỗ trợ của chúng ta. Đối với người chăm sóc, đó chính là việc lắng nghe và tôn trọng cảm xúc buồn bã, sợ hãi và giận dữ của họ."

Mỗi đêm khi Robert quay về nhà, ông cho biết ông thường suy ngẫm lại mọi điều về bệnh nhân và về ngày làm việc của ông. "Công việc của tôi, chức danh mục sư của tôi đã giúp tôi nhận ra giá trị của mỗi ngày. Tôi hiểu ngày mai là một món quà vì vậy tôi phải sống hết mình mỗi khoảnh khắc."

Quý vị đang tìm kiếm cơ hội việc làm trở thành Giáo sĩ chăm sóc cuối đời? Xem các vị trí đang tuyển hôm nay.

*Ngoài Robert Cemillan và Isobel, mọi tên trong bài viết này đều đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư.

Hãy gọi cho VITAS để tìm hiểu thêm về các tùy chọn chăm sóc cuối đời và chăm sóc giảm nhẹ.