Một ngày trong cuộc sống của nhân viên xã hội chăm sóc cuối đời
Không có ngày nào giống như ngày nào trong cuộc sống của nhân viên xã hội về chăm sóc cuối đời Judy Weisenfeld. Khi bà đến Cơ sở chăm sóc cuối đời nội trú VITAS ở Trung tâm y tế North Shore lúc 7:30 sáng, bà thậm chí không kịp cất ví của mình đi, bởi luôn có những thử thách phải đối mặt, những vấn đề cần giải quyết và các gia đình cần giúp đỡ.
Là nhân viên xã hội về lâm sàng trong gần 20 năm và nhân viên xã hội về chăm sóc cuối đời trong hơn bảy năm, công việc của July là điều phối nhân viên y tế và gia đình bệnh nhân để bảo đảm bệnh nhân có mọi thứ họ cần và sẽ trở về nhà một cách thoải mái hơn và có sức khỏe ổn định hơn so với khi họ tới đây.
Các bệnh nhân được chăm sóc cuối đời tới cơ sở chăm sóc nội trú phải chịu đựng các triệu chứng không thể kiểm soát được tại nhà; họ cần được chăm sóc y tế-truyền máu, thở oxy tăng cường, sử dụng các loại thuốc tăng cường, kiểm soát cơn đau-tất cả những điều này chỉ có thể được đáp ứng trong môi trường nội trú.
Mục tiêu của nhóm chăm sóc cuối đời tại cơ sở là kiểm soát các triệu chứng để bảo đảm bệnh nhân có thể trở lại trạng thái thích hợp hơn. Hôm nay, 10 bệnh nhân tại cơ sở có các triệu chứng từ cực kỳ kích động cho đến khó thở và khó nuốt do cơn đau khó trị.
Thành viên của nhóm cung cấp dịch vụ chăm sóc lấy bệnh nhân làm trọng tâm
Là nhân viên xã hội của nhóm chăm sóc cuối đời nội trú, July phụ trách công tác hậu cần khi bệnh nhân gần đến giai đoạn cuối đời. Trong khi bác sĩ và y tá nội trú giúp bảo đảm tình trạng khỏe mạnh và hạnh phúc cho bệnh nhân và giáo sĩ mang đến sự hỗ trợ tâm linh, July làm việc với bệnh nhân và gia đình để chuẩn bị cho họ trước điều sắp xảy ra.
Bà giải thích: "Trách nhiệm trên hết của tôi luôn là với bệnh nhân. Tôi chú trọng bệnh nhân cần gì cũng như họ có thể nhận được sự chăm sóc tốt nhất ở đâu khi rời khỏi cơ sở chăm sóc nội trú. Tôi cố gắng luôn bình tĩnh."
Trong khi bệnh nhân điều trị tại cơ sở nội trú, July cũng cung cấp hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân và gia đình họ-tư vấn cho họ, lắng nghe những câu chuyện của họ, cầm tay họ khi họ suy tư về ý nghĩa của cuộc sống. Bà nói: "Tôi lắng nghe họ giãi bày cảm xúc của mình về những mất mát mà họ phải chịu đựng. Đây là điều rất quan trọng trong trách nhiệm của một nhân viên xã hội làm việc trong lĩnh vực chăm sóc cuối đời."
Vào lúc 8 giờ sáng, Judy tham gia cuộc họp y tá hàng ngày. Y tá ca đêm báo cáo về mỗi bệnh nhân, kể với ca ngày về sự tiến triển của bệnh nhân và điều gì đã xảy ra vào ban đêm.
Cuộc họp rất quan trọng với July. Bà nêu lên mọi mối quan ngại của các gia đình với nhân viên điều dưỡng và sử dụng thông tin mà bà có được từ y tá để đánh giá các lựa chọn khi bệnh nhân được trở lại dịch vụ chăm sóc cuối đời tại nhà cũng như giải thích cho các gia đình điều gì sẽ xảy ra.
Bà giải thích: "Thông thường, tôi phải nói với họ về việc người thân của họ đã ở mức nào trong giai đoạn cuối đời và giúp họ hiểu điều có thể xảy ra."
Giúp bệnh nhân trở về nhà
Hôm nay July có hai bệnh nhân sẵn sàng quay trở lại với nhóm chăm xoa dịu và người chăm sóc chính của họ. Từ lúc bệnh nhân được đưa vào cơ sở nội trú, July đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc xuất viện của họ. Từ hồ sơ từ nhóm chăm sóc tại nhà của bệnh nhân, bà đánh giá tình huống tại nhà, tìm hiểu ai là người chăm sóc chính và "kết nối những thông tin này lại với nhau" để đưa ra quyết định tốt nhất về chăm sóc dành cho bệnh nhân sau khi họ có thể rời khỏi cơ sở.
Bà nói: "Tôi cố gắng tìm hiểu xem cần làm những gì khi họ về nhà và liệu người chăm sóc có đáp ứng được điều đó hay không". Judy sẽ bảo đảm người chăm sóc có đầy đủ thuốc hoặc đơn thuốc cũng như vật dụng cần thiết trước khi bệnh nhân xuất viện.
Đối với một số bệnh nhân, việc chuyển tiếp sang cơ sở điều dưỡng tay nghề cao sẽ tốt cho họ hơn là ở nhà. July làm việc chặt chẽ với bác sĩ và y tá chăm sóc cuối đời trước khi đưa ra đề xuất này cho gia đình. July có các nguồn lực mà gia đình cần để đưa ra quyết định phù hợp. Nếu họ đồng ý, bà sẽ đảm nhận phần thủ tục giấy tờ để giúp xác thực tư cách hội đủ điều kiện của bệnh nhân.
Mỗi ngày đều khác nhau
Mỗi ngày, July đều liên tục thích ứng với môi trường liên tục thay đổi của cơ sở chăm sóc cuối đời nội trú. Cơ sở là nơi điều trị cho tối đa 14 bệnh nhân và thường có từ 10 đến 12 bệnh nhân mỗi ngày. Bệnh nhân có thể ở lại vài ngày đến vài tháng, tùy theo việc triệu chứng của họ được kiểm soát nhanh hay chậm. Trong số những bệnh nhân của ngày hôm nay có một người cựu quân nhân bị tổn thương não không thể phục hồi và các bệnh nhân với nhiều căn bệnh giai đoạn cuối khác nhau, bao gồm ung thư, suy tim xung huyết và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Sáng sớm nay, y tá chăm sóc cho một trong những bệnh nhân của July thông báo rằng bệnh nhân đó đã qua đời. Y tá đã ở bên cạnh giường của bệnh nhân khi điều này xảy ra.
Judy đã cố gắng gọi điện thoại liên lạc với gia đình của người phụ nữ 96 tuổi để thông báo cho họ cũng như xin ý kiến đồng ý của họ để đưa thi hài về nhà tang lễ. Gia đình họ sẽ không quá bàng hoàng với điều này vì Judy đã chuẩn bị cho họ và giúp họ lên kế hoạch tổ chức tang lễ. Bà sẽ thông báo cho nhà tang lễ và thu thập đơn từ cần thiết.
Sau khi nói chuyện với gia đình của bệnh nhân qua đời, July quay trở lại với cậu con trai đã trưởng thành của bệnh nhân COPD. Đó là một anh chàng cao lớn luôn cười tươi và trao cho July cái ôm ấm áp. Họ đi vào phòng của mẹ anh ấy. Bà ngủ khá say trong khi được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở oxy.
Judy đã làm việc chặt chẽ với viện dưỡng lão nơi bệnh nhân này sẽ tới sau khi bà ổn định sức khỏe. Judy giải thích rằng viện dưỡng lão sẽ tiếp nhận mẹ của anh ấy nếu họ có thể giảm bớt lượng oxy mà bà cần. Bác sĩ chăm sóc cuối đời nội trú tin rằng điều này có thể thực hiện được trong vòng vài ngày tới.
Khi người con trai nhẹ nhàng vuốt ve chân của mẹ mình, anh ấy rõ ràng đã nhẹ nhõm hơn. Anh ấy sống ở tiểu bang khác và phải sớm trở về. Bây giờ anh ấy có thể quay trở lại làm việc và biết rằng mẹ của mình sẽ được chăm sóc.
Mỗi bệnh nhân của cơ sở chăm sóc cuối đời nội trú đều đến cùng gia đình và bạn bè trong tâm trạng sợ hãi và lo âu. Không giống như những đồng nghiệp của mình-các nhân viên xã hội về chăm sóc cuối đời giúp đỡ những bệnh nhân và gia đình tại nhà riêng, nhà cộng đồng chăm sóc dành cho người già hoặc tàn tật hoặc viện dưỡng lão-Judy không có cơ hội được biết bệnh nhân và gia đình trong những hoàn cảnh dễ chịu hơn. Mỗi bệnh nhân và gia đình đến cơ sở nội trú đều đang trong tâm trạng hoảng loạn.
Thể hiện cho bệnh nhân thấy rằng cho dù chúng ta sắp chết, chúng ta vẫn quan trọng
Hôm nay, danh sách công việc phải làm của Judy bao gồm đưa cựu quân nhân bị tổn thương não sang bệnh viện VA gần đó. Ông ấy đã phục vụ Quân đội Hoa Kỳ, và chị gái ông là người muốn thực hiện điều này. Judy sẽ phối hợp để vận chuyển bệnh nhân.
Đồng thời, bà đã sắp xếp với một nhân viên liên lạc cựu quân nhân để tổ chức một đoạn đưa tiễn ngắn nhằm vinh danh người chiến sĩ. Trong buổi lễ, khi cựu quân nhân nằm ngủ yên bình, nhân viên liên lạc đã cảm ơn ông vì phục vụ đất nước của mình. Cô đắp lên chân của ông một chiếc chăn màu đỏ, trắng và xanh da trời do tình nguyện viên chăm sóc cuối đời đan. Cô đặt chứng nhận và cờ ve áo ở chiếc bàn bên giường của ông. Mọi người tham gia-nhân viên liên lạc, y tá, giáo sĩ, thư ký cơ sở và chính Judy-đều giơ tay vẫy chào người binh sĩ sắp đi về một thế giới khác.
Judy biết dành thời gian tổ chức buổi lễ vinh danh nho nhỏ này có ý nghĩa rất quan trọng cho gia đình bệnh nhân. Bà biết rằng một phần trong công việc của mình đó là giúp bệnh nhân luôn được tôn trọng cho đến lúc chết. Bà nói: "Ngay cả khi sắp chết, chúng ta vẫn quan trọng".
Giảm bớt gánh nặng cho các gia đình
Trước bữa trưa, khi bác sĩ chăm sóc cuối đời nội trú tới để khám bệnh, Judy đã đi cùng ông ấy. Bà mang theo danh sách và ghi chú của mình từ cuộc họp với y tá. Bác sĩ Alvarez, bác sĩ chăm sóc cuối đời kể từ 1984, nói: "Tôi cảm thấy việc phối hợp chặt chẽ với nhân viên xã hội là rất quan trọng. Họ biết mọi thứ từ đầu về gia đình, hoàn cảnh nhà ở, kế hoạch xuất viện. Họ có thể giúp đỡ những gia đình đang gặp khó khăn".
Judy và bác sĩ Alvarez đến phòng của một phụ nữ 93 tuổi mắc bệnh suy tim xung huyết có em gái 83 tuổi chăm sóc. Judy thấy rõ ràng rằng người em gái hiện không có khả năng chăm sóc cho bệnh nhân. Bà đã sắp xếp cuộc họp gia đình để thảo luận về việc đưa bệnh nhân đến viện dưỡng lão khi bệnh nhân được xuất viện khỏi cơ sở nội trú.
Judy giải thích: "Trong cuộc họp gia đình, điều quan trọng là phải làm rõ về nhu cầu của bệnh nhân, mà không giảm bớt sự chăm sóc mà họ đang nhận. Mỗi bệnh nhân đều có những câu chuyện riêng và có ẩn chứa những vấn đề. Công việc của tôi là giải quyết các vấn đề đó".
Judy cũng giải thích: "Sau khi tôi biết có một hệ thống hỗ trợ cho bệnh nhân, tôi sẽ tìm gia đình để xem tôi có thể giảm bớt gánh nặng cho họ như thế nào. Là nhân viên xã hội, tôi phải có khả năng hiểu rõ họ muốn gì. Hỗ trợ cho người chăm sóc cũng rất quan trọng, ví dụ như sắp xếp tình nguyện viên tới nhà hoặc làm việc với nhóm chăm sóc cuối đời tại nhà để sắp xếp hỗ trợ tài chính hay chăm sóc bổ sung. Điều này đồng nghĩa với việc tôi phải ngồi lại với họ và lắng nghe".
Bà tiếp tục chia sẻ: "Đôi khi cái chết không phải là điều phức tạp nhất đang diễn ra. Những gia đình này phải đối mặt với cái chết trong khi ứng phó với cuộc sống hàng ngày, và họ có thể cần trợ giúp trong rất nhiều việc khác-hóa đơn khám chữa bệnh, chăm sóc con cái, duy trì các tiện ích gia đình và kiếm sống, đi làm trong khi chăm sóc cho người thân bệnh nặng. Tôi làm việc chặt chẽ với các gia đình để tìm ra những giải pháp sáng tạo."
Hỗ trợ nhân viên
Judy cũng có trách nhiệm với các nhân viên của cơ sở. Bà nói: "Đôi khi, khi có vài bệnh nhân cùng qua đời một lúc, đó là điều rất khó chịu đựng được. Các y tá là những người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân và họ có thể cảm thấy rất khó khăn."
Việc phải gọi điện cho chuyên gia tang chế của dịch vụ chăm sóc cuối đời đến cuộc họp nhóm hỗ trợ khi nhân viên phải xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân qua đời hay các ca rất nặng, ví dụ như một cậu bé 6 tuổi mắc bệnh ung thư thân não, là điều không hề xa lạ với Judy. Judy cho biết: "Trong trường hợp đó, cậu bé đã ở cơ sở chăm sóc cuối đời nội trú được một tháng rưỡi. Rất nhiều y tá là mẹ có con nhỏ. Chúng tôi đều cảm thấy đồng cảm với cậu bé và mẹ cậu bé".
Sau nhiều năm, Judy đã trở thành người bênh vực của nhóm chăm sóc cuối đời nội trú cho bệnh nhân mắc bệnh lý thần kinh. Công việc của bà là bảo đảm tổ chức ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm, ngày lễ và các dịp đặc biệt khác cho bệnh nhân và nhân viên. Bà luôn đổ đầy những lọ kẹo và luôn mỉm cười khích lệ mọi người.
Chăm sóc cuối đời không chỉ toàn nỗi buồn
Một ngày của Judy hiếm khi kết thúc lúc 5 giờ; bà thường thức để làm nốt giấy tờ, thực hiện các cuộc gọi trao đổi hoặc kiểm tra bệnh nhân và thành viên gia đình của họ. Judy nói: "Tôi đã tìm thấy niềm vui trong công việc là nhân viên xã hội về chăm sóc cuối đời. Thực tế trong tuần đầu tiên làm việc, tôi đã phối hợp tổ chức một lễ cưới tại cơ sở. Tôi sắp xếp trang trí và mời giáo sĩ tới để làm lễ bên giường bệnh của một cặp đôi già cả đã bên nhau trong một khoảng thời gian rất dài. Chú rể đang được chăm sóc cuối đời. Cặp đôi đã rất hạnh phúc vì được kết hôn."
"Từ khoảnh khắc ban đầu ấy, tôi đã nhận ra rằng vẫn có thể có niềm vui. Từ đó, tôi luôn thấy niềm vui hiện diện tại nơi này. Công việc này đã giúp tôi biết trân trọng mọi người và mọi thứ quan trọng trong cuộc đời của mình".